Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Bộ TN&MT trong tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo

11/07/2019 14:36

(TN&MT) - Sáng 11/7, tại Hà Nội, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do bà Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả tiếp công dân, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đã đánh giá cao kết quả tiếp công dân, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua.

Bà Hải
Ủy viên UBTVQH - Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải - Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Tham gia đoàn giám sát có: ông Nguyễn Kim Hồng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện; ông Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng Ban Dân nguyện; ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện; ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp; ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban công tác đại biểu cùng đại diện Ban Nội chính Trung ương; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ…

Làm việc với đoàn về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Bộ trưởng Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa; Chánh Thanh tra Bộ TN&MT Lê Quốc Trung; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phạm Tân Tuyến… cùng lãnh đạo, đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu làm rõ thêm báo cáo của Bộ TN&MT với đoàn Giám sát

Tại buổi làm việc, thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, ông Lê Quốc Trung - Chánh Thanh tra Bộ TN&MT đã trình bày báo cáo kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 2018 đến hết ngày 31/5/2019.

Theo báo cáo, trong thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện một cách tập trung; đã triển khai, phổ biến, quán triệt đến Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ để thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tăng cường, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hàng năm Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch, lịch tiếp công dân định kỳ của Lãnh đạo Bộ mỗi tháng 1 ngày, lịch tiếp công dân định kỳ của Lãnh đạo Bộ được đăng tải, công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và niêm yết công khai tại Trụ sở tiếp công dân của Bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân theo dõi và thực hiện tốt quyền của mình theo quy định của Luật tiếp công dân.

Ô Nhưỡng
Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phát biểu

Cũng theo ông Lê Quốc Trung, trong thời gian qua, đơn thư đến Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được nhập, theo dõi trên hệ thống quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo (Bộ đã chuyển giao cho Thanh tra Chính phủ cơ sở dữ liệu đơn thư từ năm 2008 để đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia); đơn thư được phân loại, xử lý kịp thời, theo đúng quy định. Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư chuyển dần theo hướng chủ động, tham mưu Lãnh đạo Bộ thanh tra đột xuất để chấn chỉnh, xử lý sai phạm và xem xét khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của người dân.

Kết quả tiếp công dân, từ năm 2018 đến hết ngày 31 tháng 5 năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp 605 lượt tiếp với tổng số 1.011 lượt công dân, tương ứng với 433 vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, tranh chấp đất đai của công dân đến từ 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 108 lượt đoàn đông người (491 lượt người) của 78 vụ việc. So với cùng kỳ, tình hình công dân đến Bộ giảm 59 lượt tiếp, giảm 283 lượt người và số lượt đoàn đông người tăng 2 đoàn.

Cũng theo báo cáo, tổng số đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai mà Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận là 4.815 lượt đơn, tương ứng với 2.522 vụ việc (có 2.293 lượt đơn trùng, chiếm 47,62%), so với cùng kỳ báo cáo trước tăng 101 lượt đơn, nhưng giảm 27 vụ việc. Nội dung đơn thư tập trung vào khiếu nại hành chính về đất đai với 1.653 vụ việc (chiếm 65,54 %); 185 vụ việc tranh chấp đất đai (chiếm 6,98%); 90 vụ việc đòi lại đất cũ (chiếm 3,57%); …

Kết quả giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền,  có 53 vụ việc khiếu nại, tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ (trong đó có 13 vụ việc kỳ trước chuyển sang). Số vụ việc đã giải quyết là 36 vụ việc, cụ thể: ban hành quyết định giải quyết 20 vụ việc và 02 văn bản có nội dung thống nhất với giải quyết của địa phương; 08 vụ việc yêu cầu UBND tỉnh sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính bị khiếu nại để giải quyết lại theo quy định pháp luật và đình chỉ giải quyết 06 vụ việc do công dân rút đơn khiếu nại.

Ô Đương
Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Đỗ Văn Đương phát biểu tại buổi làm việc

Đối với các vụ việc do Thủ tướng Chính phủ giao, Tổng số vụ việc được giao giải quyết: 42 vụ việc (có 20 vụ việc từ kỳ trước chuyển sang). Đoàn đã cử Đoàn công tác thẩm tra, xác minh 42/42 vụ việc được giao; đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết 33 vụ việc, kết quả: 13 vụ việc công dân khiếu nại sai, 02 vụ việc công dân khiếu nại có đúng, có sai và 18 vụ việc công dân khiếu nại đúng. Số vụ việc chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ: 09 vụ việc, trong đó có 04 vụ việc đã thẩm tra, xác minh, đang dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ; 05 vụ việc đang cử Đoàn công tác thẩm tra, xác minh (các vụ việc này Bộ tập trung báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý III/2019)…

Báo cáo cũng đề cập đến một số khó khăn trong công tác này như: tình trạng công dân gửi đơn thư nhiều lần, vượt cấp vẫn còn nhiều (số lượng đơn trùng, không đủ điều kiện gửi đến Bộ chiếm 47,62%, đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương chiếm 94,21% số vụ việc), nên phải mất nhiều thời gian để xử lý hướng dẫn hoặc chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Quy định pháp luật về đất đai, nhất là liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, công nhận quyền sử dụng đất đã nhiều lần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi của người dân, nhưng chưa giải quyết được tình trạng khiếu nại trong lĩnh vực này. Khiếu nại của công dân liên quan đến việc thu hồi đất có giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao; tăng các vụ việc khiếu nại về giá bồi thường thấp, chưa sát giá thị trường và khiếu nại, phản ánh, kiến nghị liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

ô Trung
Chánh Thanh tra Bộ TN&MT Lê Quốc Trung trình bày báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo thêm với đoàn giám sát, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng nguyên nhân của những khó khăn trên là do chính sách, pháp luật về đất đai đã sửa đổi, bổ sung, nhưng vẫn còn bất cập. Việc bồi thường khi thu hồi đất thường kéo dài nhiều năm, chính sách bồi thường thay đổi và ngày càng có lợi, người dân so bì, đòi được áp dụng chính sách mới. Việc quản lý, sử dụng đất đai vẫn còn những hạn chế nhất định, một số địa phương còn buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng dẫn đến những xung đột về quyền lợi của người sử dụng đất.

Cùng với đó, có nhiều tồn tại do tính lịch sử, nhất là trước thời điểm Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực, việc thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi, bồi thường, trưng thu, đưa đất vào nông lâm trường... nhưng không còn lưu giữ đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, khó khăn trong việc giải quyết khiếu kiện. 

Ngoài ra, việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền các cấp một số nơi vẫn còn thiếu quyết liệt, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền chậm giải quyết, thiếu kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, công dân khiếu kiện vượt cấp còn nhiều (tại Bộ chiếm hơn 90% số vụ việc)... Do đó, thời gian tới cần tập trung giải quyết việc thu hồi đất, chính sách đền bù, tái định cư cho người dân. Bộ trưởng cho rằng, nếu chúng ta cứ coi việc thu hồi đất đai người dân là bình thường, không cân đối hài hòa, bảo đảm lợi ích hài hòa của người dân được giao sử dụng đất đó nhiều năm có công khai hoang, đã đổ mồ hôi, xương máu trên mảnh đất đó thì khi Nhà nước thu hồi đất sẽ vẫn còn khiếu kiện nhiều.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đề nghị với Đoàn giám sát, đối với vấn đề lịch sử để lại, không đủ cơ sở pháp lý để giải quyết và có sự xung đột cơ chế chính sách bấy lâu nay cần có một cơ chế đặc thù giải quyết, giao một tổ chức liên ngành có thẩm quyền cao chịu trách nhiệm giải quyết. Đồng thời, trước mắt cần tăng cường hỗ trợ  tư pháp cho người dân, có kênh thông tin hướng dẫn cho người dân biết khi xảy ra vụ việc thì xử lý ra sao, phương hướng giải quyết thế nào.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, khi đi thực tế tại các địa phương và tiếp xúc cử tri thấy người dân rất khổ bởi khi xảy ra sự việc người dân không đủ hiểu biết về pháp luật nên không biết xử lý ra sao, biết đến cơ quan nào có thẩm quyền để giải quyết. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, cần nghiên cứu xem xét việc quy định cứng nhắc ngày nào phải tiếp mà chỉ quy định số lần tiếp, và khi người đứng đầu tiếp  dân phải nghiên cứu kỹ và phải trả lời được cho người dân giải quyết được hay không, nếu được phải chỉ đạo làm ngay.

Phát biểu tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đều đánh giá khá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác này. Nhiều thành viên đoàn giám sát cho rằng Bộ TN&MT đã làm việc rất trách nhiệm và khách quan nhưng đồng thời cho thấy các đơn vị bên dưới các đia phương vẫn làm chưa tốt, chưa hết trách nhiệm, khả năng của mình. Do đó, các thành viên Đoàn giám sát bày tỏ lo ngại chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo tại địa phương. Bởi nếu giải quyết lần đầu cho người dân ngay tại cơ sở sẽ không xảy ra tình trạng người dân khiếu kiện vượt cấp, sẽ đỡ cho các cơ quan cấp trên rất nhiều.

Tianf cảnh
Toàn cảnh buổi làm việc sáng 11/7 tại Trụ sở Bộ TN&MT

Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị, thời gian tới Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng lại Luật Đất đai thật kỹ lương để có thể tháo gỡ những bất cấp, hạn chế, khó khan hiện nay để Luật thực sự đi vào cuộc sống.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Đoàn Giám sát - đánh giá cao kết quả tiếp công dân, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân của Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian qua. Qua nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận của các thành viên Đoàn giám sát cũng như phần giải trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy mặc dù khối lượng công việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiều và nặng so với các bộ, ngành khác nhưng Bộ đã phân loại, xử lý được triệt để một số vụ, tỷ lệ tham mưu các cấp thẩm quyền xử lý rất cao. Điều này thể hiện sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Bộ.

Về những kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thanh Hải đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường cơ sở vật chất cho trụ sở tiếp dân, quan tâm hơn chất lượng ghi chép các cuộc tiếp công dân. Tiếp thu ý kiến về lịch tiếp dân của các bộ, ban, ngành Trung ương, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, sẽ tập hợp ý kiến để gửi lên cơ quan thẩm quyền nghiên cứu xem xét để có thể điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn…

Thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ sự đồng tình với những chia sẻ, gợi ý của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác này. Bộ trưởng giao các đơn vị chức năng của Bộ TN&MT đặc biệt là Thanh tra Bộ lưu ý hoàn thiện những gợi ý của Đoàn giám sát để hoàn thiện hơn các điều kiện nhằm hoàn thành tốt nhất công việc trong lĩnh vực tiếp công dân, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Bộ TN&MT trong tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO