Theo báo cáo của UBND TP. Cần Thơ, thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, TP. Cần Thơ đã ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện theo thẩm quyền được giao. Đến nay, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành 12 văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất thuộc thẩm quyền, như: Quyết định quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; quy định hạn mức giao đất ở và hạn mức công nhận đất ở cho hộ gia đình, cá nhân.
Đồng thời, ban hành Quyết định quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở; quy định về mức giá các loại đất định lỳ 5 năm (2015 - 2019);... Nhìn chung, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai đã được triển khai kịp thời, đúng thẩm quyền, chất lượng, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, đảm bảo các quy định của Luật Đất đai, cơ bản đáp ứng yêu cầu và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương.
Đối với việc ban hành chính sách về quy hoạch đô thị, Nghị quyết Đảng bộ TP. Cần Thơ lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã nêu rõ phương hướng, mục tiêu cụ thể về tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố xanh - sạch - đẹp, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, huy động các nguồn lực, xây dựng và phát triển thành phố văn minh, hiện đại, hài hòa giữa thành thị và nông thôn.
Lãnh đạo TP. Cần Thơ cũng đã chỉ đạo cơ quan quản lý chuyên môn nghiên cứu, đề xuất các quy định về quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố, cụ thể như: ban hành quy trình, thủ tục, hồ sơ trong công tác lập, triển khai, quản lý quy hoạch xây dựng đảm bảo đúng quy định của Luật Quy hoạch Đô thị 2009, Luật Xây dựng 2014, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP và Thông tư số 12/2016/TT-BXD về nội dung quy hoạch đảm bảo theo quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, trên địa bàn TP. Cần Thơ cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc vì công tác quản lý giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ, không đạt hiệu quả, công tác quản lý thông tin liên quan đến quy hoạch chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch, gây ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng dân cư, nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn Giám sát của Quốc hội đã đưa ra một số ý kiến góp ý cho Thành phố cũng như mong muốn TP. Cần Thơ làm rõ thêm một số vấn đề như: hầu hết các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố còn nhỏ so với các địa phương khác, chưa xứng tầm với trung tâm của vùng, đất đai còn bỏ hoang nhiều, chưa lắp đầy các dự án dẫn đến lãng phí đất đai.
Bên cạnh đó, trên địa bàn TP. Cần Thơ cũng còn xảy ra các khu dân cư tự phát; kiến trúc đô thị chưa được quản lý tốt, công tác quy hoạch, phê duyệt đất đai còn chậm, đề án quy hoạch phân khu đô thị chưa hoàn thành. Việc quy hoạch tích hợp các quy hoạch với nhau còn hạn chế; nhiều dự án thực hiện kéo dài, chưa phân kỳ...
Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - thay mặt Lãnh đạo UBND Thành phố đã dành nhiều thời gian trả lời, giải thích, làm rõ từng ý kiến của các đại biểu trong Đoàn Giám sát của Quốc hội liên quan đến công tác quản lý đất đai nói chung và công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị nói riêng; đồng thời; ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu của Đoàn Giám sát dành cho TP. Cần Thơ.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, báo cáo của UBND TP. Cần Thơ cũng như báo cáo của các quận như Cái Răng, Ninh Kiều mà Đoàn Giám sát của Quốc hội đến khảo sát, đã bám sát đề cương đáp ứng yêu cầu của Đoàn. Đoàn Giám sát cũng rất vui mừng ghi nhận những cố gắng của Đảng bộ, Lãnh đạo các cấp TP. Cần Thơ trong thời gian qua.
"TP. Cần Thơ đã cố gắng bám sát hệ thống pháp luật của Nhà nước để ban hành áp dụng cho địa phương một cách kịp thời, UBND Thành phố đã ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai thuộc thẩm quyền trên địa bàn thành phố. Qua đó, công tác quản lý thực thi pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương là tốt, không để xảy ra điểm nóng về đất đai" - ông Phan Xuân Dũng nhận định.
Ông Phan Xuân Dũng cũng lưu ý TP. Cần Thơ cần bổ sung đầy đủ hơn vào báo cáo, không chỉ là công tác quản lý, sử dụng đất đai đô thị mà còn có các loại hình đất đai khác như: đất công cộng, bệnh viện, trường học, đất đai do nhà nước quản lý; đồng thời, cần phân tích sâu hơn việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, đặc biệt là tính hiệu quả về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng đô thị, khu dân cư. TP. Cần Thơ cũng cần quan tâm phát triển chiều sâu về quy hoạch, kiến trúc, môi trường...