Đoàn công tác của Quốc hội làm việc tại TP.HCM về dự án Luật Đo đạc bản đồ

28/09/2017 00:00

(TN&MT) – Ngày 28/9, Đoàn công tác của Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm...

 

(TN&MT) – Chiều 28/9, Đoàn công tác của Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM  về công tác quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ trên địa bàn thành phố, lấy ý kiến hoàn thiện Luật Đo đạc Bản đồ. Tham dự Đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa.

Trước đó trong buổi sáng, Đoàn công tác đã làm việc với Trung tâm đo đạc bản đồ (thuộc Sở TN&MT) và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đo đạc bản đồ trên địa bàn TP.HCM,  để lắng nghe những ý kiến xung quanh dự thảo Luật Đo đạc bản đồ đang được hoàn thiện trình Quốc hội xem xétt và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 5, khóa XIV.

Ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM báo cáo với Đoàn công tác của Quốc hội về tình hình hoạt động đo đạc bản đồ trên địa bàn TP.HCM
Ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM báo cáo với Đoàn công tác của Quốc hội về tình hình hoạt động đo đạc bản đồ trên địa bàn TP.HCM

Ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: TP.HCM là một trong những địa phương triển khai xã hội hóa trong công tác đo đạc bản đồ sớm nhất cả nước, từ năm 1996. Đến nay, TP.HCM có 257 đơn vị có Giấy phép hoạt động đo đạc bản đồ do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cấp đang hoạt động trên địa bàn; đáp ứng  nhu cầu đa dạng về đo đạc và bản đồ trên địa bàn.  Hoạt động đo đạc bản đồ đã đem lại  nhiều lợi ích trong việc cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa đất nước và là một thành phần  không thể thiếu khi xây dựng chính quyền điện tử.

Tuy nhiên, đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các sai phạm trong việc đo đạc cí thể dẫn tới hậu quả to lớn. Nhận thức được điều này, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở TN&MT và UBND 24 quận huyện tăng cường công tác quản lý, đồng thời tạo điều kiện đảy mạnh xã hội hóa hoạt động này.

TP.HCM đã đo đạc và lần lượt công bố bản đồ địa chính số có độ chính xác cao trong giai đoạn 1997 – 2005 và đã cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính năm 2015. Hệ thống  bản đồ - cơ sở dữ liệu địa chính này đã đóng góp vai trò quan trọng trong công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý xây dựng trên địa bàn thành phố.

Ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc
Ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

Ngoài ra, Bộ TN&MT đã bàn giao cho Thành phố một số điểm độ cao và bộ cơ sở dữ liệu  nền địa hình năm 2005. Các số liệu, tài liệu này đã góp phần rất lớn trong đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa cao, cộng với hiện tượng sụt lún của thành phố, các tài liệu này đã dần lạc hậu. Vì vậy, TP.HCM  quyết định đầu tư Dự án xây dựng nền dữ liệu địa hình thành phố tỷ lệ 1/2000, 1/5000; đồng thời Sở TN&MT cũng  tham mưu Thành phố thực hiện  Dự án tăng dày các điểm cao độ từ số liệu đo kiểm tra các mốc độ cao năm 2015, 2016 do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cung cấp.

Đồng thời, tại TP.HCM có hiện tượng quản lý chồng chéo  giữa các ngành tài nguyên và môi trường, xây dựng, giao thông, nông lâm nghiệp…với đủ loại chứng chỉ, giấy phép được cấp bởi các ngành, gây khó khăn  cho các doanh nghiệp hoạt động đo đạc bản đồ. Cũng vì lý do này, nhiều dự án đo đạc bản đồ  chưa được quản lý thống nhất, cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương trong xây dựng, triển khai các dự án liên quan đến đo đạc và bản đồ còn hạn chế, dẫn đến  việc trùng lắp về sản phẩm, làm lãng phí thời gian và kinh phí hoạt động…

Theo ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, việc sớm ban hành Luật Đo đạc Bản đồ, tạo một hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ, quy chuẩn sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế như trên. Bởi, cho đến thời điểm này, các quy định  về đo đạc bản đồ cao nhất mới chỉ ở mức Nghị định và cá Thông tư hướng dẫn.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa trao công trình nghiên cứu kiểm tra mốc độ cao khu vực TP.HCM  và ĐBSCL năm 2017 cho ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa trao công trình nghiên cứu kiểm tra mốc độ cao khu vực TP.HCM và ĐBSCL năm 2017 cho ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

UBND Thành phố, các sở ngành, doanh nghiệp của TP.HCM đánh giá cao dự thảo Luật Đo đạc bản đồ do Bộ TN&MT là cơ quan soạn thảo: đã thể hiện được tầm quan trọng của Luật trong thực tiễn cuộc sống; khắc phục được những thiếu hụt về quy định hướng dẫn hoạt động đo đạc bản đồ; đặc biệt đã phân cấp rất mạnh mẽ cho các địa phương trong việc lập, thẩm định nhiều loại bản đồ…Đồng thời, các đơn vị cũng đóng góp nhiều ý kiến cho Đoàn công tác và đơn vị soạn thảo Dự thảo Luật Đo đạc bản đồ.

Thay mặt đoàn công tác của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá cao những ý kiến của TP.HCM, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật.

Tại buổi làm việc, thay mặt Bộ TN&MT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đã trao sản phẩm công trình nghiên cứu “Đo kiểm tra mốc độ cao khu vực TP.HCM và ĐBSCL năm 2017” cho UBND TP.HCM. Đây là một tài liệu rất quan trọng làm cơ sở để phục vụ cho nhiều mặt kinh tế - xã hội của TP.HCM, trong bối cảnh địa phương này đang xảy ra hiện tượng sụt lún tại nhiều khu vực.

Nguyễn Thanh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn công tác của Quốc hội làm việc tại TP.HCM về dự án Luật Đo đạc bản đồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO