Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh: Khảo sát, gỡ vướng cho An Giang về cung cấp cát san lấp công trình trọng điểm
(TN&MT) - Sáng 11/10, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cùng đoàn công tác đã đi khảo sát thực trạng khai thác cát trên sông Hậu (TP. Châu Đốc) và làm việc với UBND tỉnh An Giang về rà soát, điều phối nguồn vật liệu phục vụ thi công các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh và khu vực ĐBSCL.
Cùng tham gia chuyến đi khảo sát và làm việc cùng Đoàn công tác có Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy và lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của tỉnh An Giang.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, việc thực hiện các công trình, dự án giao thông trọng điểm là trách nhiệm chung của cả nước, không phải của riêng bộ, ngành hay địa phương nào. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan được giao nhiệm vụ phải phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt để thực hiện tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, tại tỉnh An Giang là một trong những địa phương đang có nhiệm vụ cung cấp cát cho dự án cao tốc trục ngang và trục dọc.
Tại cuộc làm việc, theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 4 khu mỏ có giấy phép khai thác có hiệu lực với tổng diện tích 155,98 ha, công suất khai thác 2,37 triệu m3/năm.
Dự kiến sẽ phân bổ cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (trục ngang) đoạn qua tỉnh An Giang khối lượng 1 triệu m3 và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (trục dọc) hơn 1,5 triệu m3.
Ngoài ra, tỉnh An Giang huy động thêm nguồn vật liệu từ dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao để cung cấp cho cao tốc trục ngang đoạn qua tỉnh An Giang khoảng 3 triệu m3 và cao tốc trục dọc 300.000 m3.
Thời gian qua, UBND tỉnh An Giang đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, khẩn trương tham mưu phân bổ nguồn cát từ khu mỏ của Công ty Tấn Thắng cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với khối lượng 1.580.723 m3. Đồng thời, xin cơ chế đặc thù giao mỏ cho nhà thầu thi công đối với các khu vực quy hoạch mỏ trên sông Tiền, sông Hậu.
Thời gian tới, UBND tỉnh An Giang sẽ tiếp tục rà soát, cân đối và bố trí khối lượng còn lại khoảng 1.509.277 m3 để cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đảm bảo đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo tại cuộc họp, theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, đến nay nhà thầu vẫn chưa thể lấy cát về dự án do vướng thủ tục. Đối với hai mỏ đang khai thác, trong đó mỏ do Công ty Tấn Thắng quản lý, nhà thầu đã làm việc trực tiếp với đơn vị chủ mỏ nhưng chưa thể tiếp nhận do chưa có quyết định điều chỉnh giấy phép của UBND tỉnh.
Đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cũng đề xuất, hiện trên địa bàn An Giang có một số mỏ đang còn hiệu lực khai thác và có thể lấy được cát ngay, do đó, kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang điều phối khối lượng cát từ các mỏ này cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau để kịp thời có vật liệu. Sau này khi các mỏ khác xong thủ tục, tỉnh sẽ điều phối để trả lại cho dự án cao tốc trục ngang.
Trước kiến nghị của các đơn vị, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, sẽ giải quyết thủ tục pháp lý nhanh nhất cho mỏ Tấn Thắng để sớm được khai thác. Tỉnh An Giang cũng đồng ý điều phối trữ lượng cát như đã cam kết, giao cho các đơn vị có liên quan để tính toán linh hoạt, điều phối cát giữa dự án Châu Đốc - Sóc Trăng về dự án Cần Thơ - Cà Mau.
Về kiến nghị mỏ đá, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định, trữ lượng đá tại địa phương đủ cung cấp cho các dự án đang thi công. Đồng thời, ông Nguyễn Thanh Bình cũng đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ địa phương trong công tác thăm dò, khai thác hạ cốt sâu hai mỏ đá tại Tri Tôn và mỏ núi Cô Tô, để sau khi khai thác xong có thể làm hồ chứa nước phục vụ cho nông nghiệp và phát triển cảnh quan du lịch.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, việc đẩy nhanh thực hiện các tuyến cao tốc và các công trình trọng điểm ở ĐBSCL rất quan trọng, vì sự phát triển chung của đất nước, trong đó có chiến lược phát triển cao tốc trục ngang kết nối ĐBSCL đến vùng kinh tế biên giới, cao tốc trục dọc kết nối với TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ để thúc đẩy kinh tế vùng ĐBSCL phát triển; vì vậy các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, chủ đầu tư, nhà thầu phải nhận thấy trách nhiệm chung trong công tác triển khai, thực hiện.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí nguồn lực, ban hành cơ chế chính sách đặc thù để triển khai các dự án giao thông cho khu vực ĐBSCL, thế nhưng công tác triển khai thi công lại phát sinh nhược điểm về quy trình quản lý khai thác nguồn vật liệu, khiến việc cung cấp cát chậm trễ.
Do đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thống nhất phương án mà địa phương đề xuất cấp mỏ cát trực tiếp cho nhà thầu thi công nhằm đảm bảo nguồn cát đến đúng địa chỉ. Đồng thời, bản thân các nhà thầu cũng phải chủ động hợp tác, liên doanh khai thác để có thêm nguồn cát; không trông chờ, ỷ lại vào các tỉnh.
Đối với địa phương, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị tập trung tháo gỡ các thủ tục pháp lý để cung cấp vật liệu cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, việc này phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không được hợp thức hóa cho các sai phạm. Việc cấp phép, khai thác phải luôn gắn với quản lý, giám sát. Đồng thời, với những vướng mắc mà các địa phương đề xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn sẵn sàng hỗ trợ địa phương về hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến ngành tài nguyên và môi trường, chuyên gia, kỹ thuật, cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương phối hợp cùng Bộ Giao thông Vận tải triển khai các dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy để chủ động được nguồn vật liệu lớn, cung cấp cho các công trình trọng điểm.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng lưu ý địa phương bên cạnh việc khai thác cát để phục vụ triển khai thực hiện công trình trọng điểm thì các địa phương của ĐBSCL luôn phải chú trọng việc chống sạt lở, gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng đề nghị cần phải có điều tra, đánh giá toàn diện trữ lượng cát sỏi tại khu vực. Trong công tác quản lý, phải có giám sát để việc khai thác đúng với công suất, thiết kế, tăng cường kiểm tra đột xuất, ngăn chặn hiệu quả khai thác cát lậu.
Đối với kiến nghị liên quan đến mỏ đá, Bộ trưởng đề nghị địa phương lập đề án cụ thể và báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, đánh giá tác động và tháo gỡ cho An Giang.
Bộ trưởng cũng đề nghị địa phương cần phải có cơ chế liên kết, chia sẻ tài nguyên để vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.