Đó là một trong những tồn tại hạn chế được Bộ Xây dựng nêu ra trong Báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị nước ta. Theo đó, còn một số quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, một số nội dung thiếu khả thi, chưa tính toán đầy đủ và thiếu các nguồn lực thực hiện; chưa đồng bộ, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng…; chưa gắn kết giữa việc thực hiện quy hoạch, thực hiện dự án đầu tư với kế hoạch vốn đầu tư trung hạn và hằng năm.
Thực tiễn, thay đổi quy hoạch luôn theo kiểu thu hẹp các lợi ích công cộng và tăng mật độ xây dựng, nâng chiều cao chung cư không còn là chuyện lạ với các đô thị của nước ta. Nguồn lợi ích khổng lồ từ chênh lệch địa tô trong quá trình phát triển, mở rộng đô thị đã vô tình trở thành bàn tay vô hình phá vỡ quy hoạch. Nhưng sự “vô tình” này đã lặp lại ở nhiều địa phương, đặc biệt là hai đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, sau đó là Sa Pa, Đà Lạt, Phú Quốc...
Phát triển ồ ạt, ăn theo và “giẫm đạp” lên quy hoạch đã nghiễm nhiên trở thành “lẽ thường” bấy lâu nay. Không chỉ bị “băm nát” do “chia phần” mà nguy hại hơn, nó bị “băm nát” bởi việc mượn danh điều chỉnh quy hoạch để… phá quy hoạch. Hậu quả là nhiều hộ dân phải “tháo chạy” khỏi nơi ở đang bị quá tải trầm trọng cả về hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội. Rõ ràng, những người đã ký quyết định thay đổi quy hoạch không phải là “băm nát” mà là “nghiền nát” quy hoạch tệ hại như thế nào?!
Cũng bởi thế mà mỗi khi nhắc về vấn đề này, người ta thường lấy câu chuyện của Khu nhà ở HH (KĐT Linh Đàm - quận Hoàng Mai. TP. Hà Nội) để làm dẫn chứng cho sự thất bại đó. Ngoài ra, phải kể đến nhiều tuyến đường huyết mạch của Thủ đô như: đường Vành đai 3, đường Tố Hữu, đường 70, Vạn Phúc, Lê Trọng Tấn… luôn trong tình trạng ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm. Nhìn xa hơn từ cơ chế “trong đẩy, ngoài hút” dường như đang đi theo chiều ngược lại. Quy hoạch đô thị vệ tinh “giậm chân” tại chỗ. Nội đô quá tải. Hạ tầng thiếu đồng bộ. Trời mưa là ngập. Có những con đường phải “gồng mình” gánh hàng chục cao ốc, dày đặc như những “rừng bê tông”. Thiếu hụt không gian xanh, trường học, bệnh viện...
Đó là vấn đề của nội đô. Nhìn rộng ra ở khu vực ngoại thành, hàng loạt khu đô thị đình đám, từng gây sốt chục năm về trước đến nay, vẫn chỉ là bãi đất trống hoặc những dãy nhà hoang phế, rêu phong, cỏ mọc ngang đầu người. Đất ruộng thành đất hoang. Người dân xót đất nhưng không thể canh tác vì vướng quy hoạch! Đáng chú ý là việc thay đổi quy hoạch diễn ra hầu hết theo hướng các quỹ đất công cộng, cây xanh bị biến thành các cao ốc. Dù rằng, khi thay đổi quy hoạch chi tiết các dự án, các lý do đưa ra đều “tốt đẹp” và “đúng quy trình” (?!).
Thực tế, cư dân nội thành của đô thị đã quen gặp nhiều “khoảng trống”, với ý nghĩa tích cực hay tiêu cực. Có những khoảng trống giúp nới rộng khung trời đủ cho người ta quên nhanh những tù túng, nhơ nháp của tuyến kênh xưa đen đặc ken dày nhà sàn ổ chuột… Cũng từ đó, người ta cũng quên nhanh những trầy trật của nhà thầu thi công cùng những tai tiếng dây dưa về Ban quản lý dự án.
Lại có những khoảng trống làm người dân... mừng hụt, bởi lầm tưởng một khu đất giải tỏa ở ngã ba, ngã tư đông nghẹt nào đó sẽ biến thành khoảng xanh công viên, chứ không phải mọc lên một công trình xây mới chình ình, ham hố choán thêm tầm mắt người qua, kẻ lại hằng ngày.
Không quá khi nói: Quy hoạch đô thị đang ở trong tình trạng “cái chai - cái lọ”, chui vào đã khó, chui ra càng khó!