(TN&MT) - Khách sạn, resort mọc lên như nấm sau mưa rào, đã khiến cho ngành dịch vụ du lịch trên đảo Phú Quốc nhiều phen lâm vào cảnh xáo trộn vì thiếu người làm.
Du lịch nghỉ dưỡng tại Phú Quốc phát triển “chóng mặt” nhưng đang rất thiếu lao động |
Giành giựt người làm
Ông Phùng Xuân Mai, Tổng giám đốc Sài Gòn – Phú Quốc Resort & Spa cho biết, trong 3 năm gần đây, Phú Quốc có thêm khoảng 3.500 phòng khách sạn mới đưa vào sử dụng. Theo tiêu chuẩn 2 người phục vụ/phòng thì số lao động tương ứng phải là 7.000 người, nhưng thực tế con số này lại không quá 3.000 người. Gần đây nhất, từ tháng 10 đến tháng 12.2014, những resort, khách sạn mới như Salinda (250phòng), Vinpearl (500 phòng) đi vào hoạt động đã khiến cho nhu cầu nhân lực ở Phú Quốc lên cao chưa từng có. “750 phòng mới khai trương sẽ cần khoảng 1.500 nhân viên, nhưng người làm được việc không có sẵn nên họp hải đi “gom” ở nhiều khách sạn khác rồi sang lọc lại. Việc này đã gây xáo trộn trăm bề cho các doanh nghiệp khác”, ông Mai nói.
Theo UBND huyện Phú Quốc, hiện tại huyện đảo này có trên 5.000 phòng lưu trú, trong đó nhiều khu resort, khách sạn 4, 5 sao nên số lượng nhân lực là không thể đáp ứng.
“Phần lớn khách sạn, resort ở Phú Quốc hiện đều thiếu người, đặc biệt là người có trình độ chuyên môn, trình độ quản lý, điều hành càng khan hiếm”, ông Nguyễn Thành Luân, Công ty TNHH Lạc Phú (hoạt động lĩnh vực du lịch) cho biết.
Theo phân tích của ông Phùng Xuân Mai, nhu cầu lao động ở Phú Quốc được phân chia làm 3 nhóm là: 70% là lao động phổ thông, phục vụ; 20% cấp trung,làm tổ trưởng, nhóm trưởng và 10% có trình độ cao, làm quản lý, điều hành. Ngay số lao động phổ thông nằm trong 70% cũng khó tìm nên nhóm tổ trưởng và nhóm điều hành, quản lý thì hoàn toàn phải “nhập khẩu”từ đất liền.
Dự kiến, cuối năm 2015 này, Phú Quốc sẽ có thêm 1.000 phòng nữa đi vào hoạt động khi Vinpearl giai đoạn 2 hoàn thành cùng với 420 phòng khách sạn Novotel củaTập đoàn CEO...Với số lượng phòng “khủng” như vậy và trong tình cảnh Phú Quốc không có một nơi đào tạo cung cấp nhân lực dịch vụ du lịch một cách chuyên nghiệp thực thụ, nhiều resort, khách sạn ở Phú Quốc đang lo ngại sẽ lại có một “cơnlốc” gây xáo trộn về nhân lực vào cuối năm nay.
Dạy nghề 2 năm không thể mở 1 lớp
Một nghịch lý là khi nhu cầu lao động ở ngành nhà hàng, khách sạn tại Phú Quốc đang rất cao nhưng việc mở lớp học nghề về ngành này lại “ế nhệ”. Bà Nguyễn Hồng Tươi, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Phú Quốc cho biết cả huyện mỗi năm chỉ đào tạo được khoảng 5 – 6 lớp dạy nghề ngắn hạn 3 tháng, tập trung vào các nghề phục vụ buồng, bàn, pha chế, lái tàu du lịch, nấu ăn... Mỗi lớp nghề như vậy có khoảng 20 – 30 học viên, tính ra cả năm đào tạo được 100 – 180 người. Cao điểm nhất là năm 2014, khi Vinpearl đi vào hoạt động thì cũng chỉ đào tạo được khoảng 300 học viên.
Nộp hồ sơ tuyển dụng lao động vào làm tại Vinpearl Phú Quốc |
Riêng trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề lại càng thê thảm hơn. “Phòng đã nhiều lần phối hợp cùng trường Cao đẳng nghề Kiên Giang, các trường nghề của tỉnh mời tư vấn mở lớp, miễn giảm 50% học phí cho học viên nhưngvẫn không ai học”, bà Tươi nói. Theo lý giải của Trưởng phòng LĐTB-XH Phú Quốc nguyên nhân dạy nghề phục vụ du lịch ở PhúQuốc “ế” là vì huyện đảo này đang trong giai đoạn “sốtgiá” đất, người dân bán đất chia tài sản cho con cái nhiều. Khi có tiền họ thường có tâm lý không chịu đi học nghề, làm thuê cho người khác. Một số có tiền thì mua ô tô chạy dịch vụ. Riêng số chịu học nghề thì lại “chuộng” học ở đất liền rồi ở lại làm tại TP.HCM, Bình Dương...
Nhận định về tình trạng “bối rối” về nhân lực phục vụ ngành du lịch ở Phú Quốc, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Kiên Giang nói: “Các doanh nghiệp tuyển lao động ở chỗ này, chỗ khác không thuộc phạm vi Sở quản lý. Mà lao động dịch chuyển thì bình thường không cấm cản gì được. Còn định hướng đào tạo thì không phải nhiệm vụ chính của Sở mà của Phòng LĐTB-XH, trường dạy nghề; Sở VHTT-DL thì chỉ phối hợp”.
Thế nhưng Trưởng phòng LĐTB-XH huyện Phú Quốc Lê Hồng Tươi ngao ngán: “Chúng tôi nắm bắt nhu cầu lao động, tuyển sinh các lớp phục vụ du lịch, vận động rất nhiều nhưng từ đầu năm đến nay, cả huyện chưa mở được lớp nào. Tệ nhất là ở thị trấn Dương Đông đã 2 năm rồi không mở được một lớp”.
Khách sạn tự mở lớp Ông Phùng Xuân Mai,Tổng giám đốc Sài Gòn – Phú Quốc Resort & Spa cho biết, để chủ động nhân lực, mới đây ông đã xin mở chi nhánh của trường Cao đẳng nghề Kiên Giang ngay trong khách sạn. Hiện chi nhánh này đã đào tạo được 2 khoá; trong đó lớp trình độ cao đẳng khách sạn có 40 học viên vừa làm, vừa học. Ngoài ra, chi nhánh này cũng đào tạo sơ cấp 3 tháng đối với nghề phục vụ buồng, bàn, kỹ năng hướng dẫn... |
Bài & ảnh: Giang Sơn