Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Trong những năm gần đây, Việt Nam đứng trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên do bị khai thác quá mức, thiếu quy hoạch, thiếu kế hoạch. Khai thác dầu khí tại nhiều mỏ chủ lực đã sang giai đoạn suy giảm sản lượng. Ngay cả nguồn tài nguyên được cho là lợi thế của nước ta là than cũng đã bắt đầu cạn kiệt. Những nguồn tài nguyên thiên nhiên khác như tài nguyên nuớc, tài nguyên rừng, tài nguyên biển cũng đang trong tình trạng suy thoái do ảnh hưởng bởi sự phát triển nóng và sử dụng hiệu quả chưa thật cao thời gian qua.
Theo ông Phan Xuân Dũng, đứng trước yêu cầu cấp bách, Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức rõ việc chủ động ứng phó với BÐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Trong đó, Nhà nuớc giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội. Vấn đề này cần được nghiên cứu, phân tích và triển khai trên cơ sở quản lý tổng hợp và thống nhất, liên ngành, liên vùng, với quan điểm: Về ứng phó với biến đổi khí hậu, phải tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm.
Về tài nguyên phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển Kinh tế - xã hội; được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế.Trong BVMT, phải kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; coi đầu tư cho BVMT là đầu tư cho phát triển bền vững.
Ông Phan Xuân Dũng cho biết: Từ vị trí và tầm quan trọng của việc quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, BVMT và ứng phó với BÐKH, Tiểu ban KT-XH chuẩn bị Đại hội Đảng khóa XIII đã giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiên cứu chuyên đề: "Đánh giá việc thực hiện các mục tiêu về tài nguyên, môi trường, ứng phó với BÐKH của Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025"
Theo ông Phan Xuân Dũng, hội thảo hôm nay để phục vụ cho công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách, đề xuất với Tiểu ban KT-XH và cung cấp thông tin cho chuyên đề nghiên cứu trên.
Trình bày tham luận về lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Những kết quả đạt được trong thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011 – 2020 và Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016 – 2020 gồm: Hệ thống chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH tiếp tục được hoàn thiện; có những chuyển biến tích cực trong nhận thức về quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH; tài nguyên thiên nhiên được quản lý chặt chẽ hơn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn; công tác BVMT được chú trọng, bước đầu hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; năng lực thích ứng với các tác động của BĐKH dần được nâng lên, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được quan tâm; một số mục tiêu về môi trường của Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016 – 2020 dự báo sẽ đạt các mục tiêu đề ra.Về định hướng về quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH trong giai đoạn 2021 – 2030, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề xuất nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư về quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH đáp ứng các tiêu chí kinh tế thị trường phù hợp với bối cảnh mới.
Thứ trưởng cũng đề xuất tăng cường cơ chế giám sát thực thi pháp luật; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, nâng chế tài xử phạt vi phạm; đẩy mạnh tính công khai, minh bạch và hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng. Đồng thời, tăng đầu tư nguồn lực để đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH. Tăng nguồn chi từ ngân sách kết hợp với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư từ xã hội và hợp tác quốc tế.Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị phát triển hoạt động khoa học – công nghệ và giáo dục – đào tạo về quản lý, sử dụng tài nguyên, BVMT, phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH; chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và ứng phó với BĐKH; phát triển văn hóa, con người Việt Nam để thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, BVMT, phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng nghe các tham luận khác của các Bộ và các chuyên gia trong lĩnh vực BVMT và BĐKH. Cụ thể, tham luận của Bộ Công thương về “Ngành công thương chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”; tham luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Đánh giá việc thực hiện các mục tiêu về tài nguyên, môi trường, ứng phó với BĐKH trong ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn của chiến lược 10 năm 2011 – 2020, định hướng mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030”; Bộ Giao thông vận tải trình bày tham luận “Về công tác BVMT và ứng phó với BĐKH trong ngành giao thông vận tải giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030”; tham luận của Bộ Khoa học và Công nghệ: “Định hướng các hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 – 2030”; Bộ Tài chính có tham luận: “Tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí cho BVMT và ứng phó với BĐKH của ngân sách trung ương”; Bộ Kế hoạch Đầu tư với tham luận về “Đầu tư cho tài nguyên, môi trường và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030”;…