Môi trường

Định hướng phát triển giao thông vận tải công cộng thân thiện môi trường ở Thành phố Huế

Văn Dinh - Tấn Hoàng 23/02/2024 - 10:50

(TN&MT) - Ngày 23/2, Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển giao thông vận tải công cộng thân thiện môi trường và kế hoạch phát triển giao thông xanh cho TP. Huế”.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Ramla Khalidi- Trưởng đại diện thường trú Tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng phát triển hệ thống giao thông phát thải carbon thấp là giải pháp kép trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện chất lượng không khí đô thị. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 60.000 người tử vong do ô nhiễm không khí, trong đó khí thải từ phương tiện giao thông được cho là nguyên nhân chính.

untitled.jpg
Quang cảnh Hội thảo

Việc Chính phủ ban hành Chương trình hành động về Chuyển đổi xanh và Giảm thiểu khí carbon và khí mêtan trong ngành giao thông vận tải là bước quan trọng hướng tới mục tiêu 100 % phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện và năng lượng xanh vào năm 2050. Việc thực hiện thành công chương trình này sẽ mang lại lợi ích sức khỏe to lớn cho người dân TP. Huế. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh của tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, nhiều chính sách và chiến lược đã được ban hành. Đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển xanh, gắn kết với giá trị văn hóa và lịch sử độc đáo của Huế. Trong đó, việc khuyến khích đi bộ và đi xe đạp để giảm ùn tắc giao thông cũng như thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện điện và sử dụng năng lượng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải và thúc đẩy lối sống xanh của người dân và khách du lịch.

“Giao thông xanh kết hợp với kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại cơ hội lớn để đạt mục tiêu phát triển đô thị carbon thấp. Đối với tỉnh Thừa Thiên – Huế và TP. Huế nói riêng, cần xem xét các giải pháp giảm thiểu khai thác tài nguyên, giảm chất thải, kéo dài vòng đời xe điện, và tạo việc làm mới; Thứ hai là thúc đẩy các giải pháp giao thông sáng tạo như xe điện, xe tải điện, hệ thống xe đạp điện chia sẻ để tăng cường kết nối giao thông đô thị, giảm ô nhiễm không khí, cải thiện khả năng tiếp cận tới các khu dân cư và các điểm du lịch, đồng thời thúc đẩy mục tiêu giảm phát thải trong ngành giao thông vận tải. Thứ ba, để đảm bảo quá trình phát triển bền vững và tổng thể, cần phải có cách tiếp cận toàn diện. TP. Huế cần xây dựng quy hoạch và kế hoạch tổng thể, tích hợp phát triển hạ tầng giao thông thân thiện với môi trường. Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách để quản lý, vận hành và khuyến khích các sáng kiến xanh bền vững là rất quan trọng”, bà Ramla Khalidi chia sẻ.

416196102_122116420322139664_4624203422316591962_n.jpg
Huế đang phát triển giao thông xanh

Tại Hội thảo, nhiều bài tham luận đã được các đại biểu tham dự trình bày, như “Phát triển giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên - Huế định hướng 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; ‘Định hướng phát triển giao thông vận tải thân thiện với môi trường và giao thông xanh tại Huế”; “Kinh nghiệm phát triển giao thông xanh của một số quốc gia trên thế giới”; “Báo cáo nghiên cứu thử nghiệm chính sách giao vận xanh đối với nhân viên giao hàng bằng xe máy tại TP. Huế”…

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, Ban tổ chức đã trao giải cuộc thi sáng tạo truyền thông “Giao thông điện Huế - Hành trình xanh cho tương lai”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định hướng phát triển giao thông vận tải công cộng thân thiện môi trường ở Thành phố Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO