Điều tra đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ tự nhiên tại ven biển phía Nam

Mai Đan| 08/02/2023 19:45

(TN&MT) - Chiều 8/2, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định dự án mở mới 2023 “Xây dựng bộ bản đồ phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 toàn lãnh thổ Việt Nam - giai đoạn III (2023 - 2025) cho các tỉnh ven biển phía Nam”.

img_8068.jpg
Ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp

Thừa ủy quyền của Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên - Chủ tịch Hội đồng, ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Kiểm định máy địa vật lý, Liên đoàn Vật lý Địa chất, đơn vị chủ trì thực hiện dự án cho biết: Mục tiêu tổng quát của nhiệm vụ là điều tra đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ tự nhiên lãnh thổ Việt Nam phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững nền độc lập chủ quyền quốc gia.

Mục tiêu cụ thể là xác định được hiện trạng môi trường phóng xạ tự nhiên các tỉnh, thành phố ven biển phía Nam Việt Nam: TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, trong đó chú trọng các khu đô thị, dân cư lớn nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và định hướng cho việc phát triển bền vững kinh tế, xã hội.

Ngoài ra, xác định các vị trí có môi trường phóng xạ cao trong diện tích nghiên cứu có nguy cơ gây hại cho con người.

img_8080.jpg
Ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Kiểm định máy địa vật lý, Liên đoàn Vật lý Địa chất trình bày thuyết minh nhiệm vụ

Theo ông Trần Anh Tuấn, việc tiếp tục thành lập bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 cho các tỉnh trên là hết sức cần thiết. Kết quả thu được sẽ là tài liệu điều tra cơ bản về môi trường phóng xạ, giúp cho các nhà quản lý, bảo vệ môi trường có cái nhìn tổng quát về môi trường phóng xạ. Từ đó hoạch định được đường lối chiến lược đúng đắn trong bảo vệ môi trường, duy trì sự ổn định những vùng có mức ô nhiễm thấp, có biện pháp hạn chế và giảm thiểu mức ô nhiễm ở những vùng có nguy cơ cao.

Góp ý tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Quyết - Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân cho rằng, việc thực hiện dự án là cần thiết, kết quả dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội, đóng góp lớn về cơ sở dữ liệu, bộ bản đồ về phóng xạ môi trường, góp phần vào việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu khoa học và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Theo ông, các công việc cụ thể cần đảm bảo tính khoa học và tránh trùng lặp số liệu.

Ông Kiều Duy Thông - Trường Đại học Mỏ - Địa chất đánh giá, dự án này là giai đoạn thứ ba thuộc loạt dự án xây dựng bản đồ phóng xạ tự nhiên tỉ lệ 1:250.000 toàn quốc. Như vậy, dự án được xây dựng có tính cấp thiết và tính pháp lý đầy đủ. Dự án đã xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ cần thực hiện đảm bảo thực hiện được các nhiệm vụ được giao trong mối quan hệ đồng nhất với 2 dự án tương tự đã thực hiện.

Tuy vậy, ông đề nghị bổ sung phần tổng quan về các nghiên cứu, đề án, dự án liên quan đến môi trường phóng xạ tại các tỉnh thành mà dự án này tiến hành; nên trình bày về các kết quả chủ yếu, các bài học kinh nghiệm rút ra từ hai dự án trước để nâng cao chất lượng và hiệu quả cho giai đoạn này.

Đồng thời, nên kế thừa vị trí khảo sát từ các dự án trước đây về xây dựng bản đồ phông bức xạ, bản đồ phóng xạ tự nhiên tỉ lệ 1:500.000, 1:1000.000... để có tư liệu đối sánh, nên có sơ đồ vị trí của các tài liệu này; cập nhập những phương pháp xử lý tài liệu mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả dự án.

“Trong điều kiện hiện nay, mục tiêu quan trọng là bộ bản đồ này phải được quốc tế công nhận làm cơ sở để bảo đảm an ninh môi trường quốc gia khi mà có các nguy cơ tiềm ẩn về phóng xạ ngoài biên giới. Do đó, cần bổ sung thêm các nội dung công việc liên quan đến nội dung này”, ông Kiều Duy Thông đề nghị thêm.

img_8073(1).jpg
Quang cảnh cuộc họp

Bà Lê Thị Diệu Thúy, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ TN&MT đánh giá, mục tiêu và nhiệm vụ của dự án đã bám sát mục tiêu và nhiệm vụ được Bộ phê duyệt tại Quyết định số 1399/QĐ-BTNMT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về việc phê duyệt nhiệm vụ chuyên môn mở mới năm 2023.

Tuy vậy, các sản phẩm của dự án chưa đúng và chưa đủ so với sản phẩm đã được Bộ phê duyệt tại Quyết định trên, trong trường hợp có thay đổi bổ sung, đề nghị thuyết minh giải trình rõ để Bộ xem xét điều chỉnh.

Kết thúc cuộc họp, Hội đồng đã thông qua dự án với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung. Ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng đề nghị Liên đoàn Vật lý Địa chất tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng và chỉnh sửa, bổ sung để sớm hoàn thiện thuyết minh dự án trình Hội đồng xét duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều tra đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ tự nhiên tại ven biển phía Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO