Nhiều chuyện hậu trường về chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ông Bùi Thế Giang - Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc - kể lại.
Lần đầu tiên phía Mỹ chính thức mời Tổng Bí thư ta sang thăm là vào tháng 7-2012. Khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến chào xã giao trong chuyến bà thăm Việt Nam. Sau những câu chào hỏi đầu tiên, bà Clinton chính thức mời Tổng Bí thư sang thăm Mỹ với tư cách khách mời của chính phủ Mỹ. Đến cuối cuộc tiếp của Tổng Bí thư, trước khi ra về, Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại một lần nữa lời mời. Điều đó cho thấy chính quyền Mỹ đã cân nhắc rất kỹ và lời mời của ngoại trưởng là lời mời chính thức.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phòng Bầu Dục |
Ngoại lệ trong phòng Bầu Dục
Để có một chuyến thăm nước ngoài của cấp cao, Việt Nam luôn cân nhắc các yếu tố trong nước, ngoài nước, quan hệ song phương, đa phương và đặc biệt là về tính thời điểm. Việc cân nhắc Tổng Bí thư đi thăm Mỹ không là ngoại lệ. Riêng về thời điểm, 2015 là năm kỷ niệm lần thứ 40 kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, lần thứ 20 thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, là năm Việt Nam chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc và là năm nước Mỹ bắt đầu đẩy mạnh các cuộc vận động tranh cử, chuẩn bị cho năm bầu cử tổng thống 2016, do vậy có ý nghĩa rất quan trọng... Chỉ nhìn từ góc độ ấy thôi, năm 2015 cũng đã là năm “đẹp” nhất, “chín” nhất để thực hiện chuyến đi của Tổng Bí thư.
Quan sát từ bên ngoài, ai cũng có thể thấy Tổng Bí thư được tiếp đón về mặt lễ tân rất trọng thị, theo nghi thức cấp chính thức dành đón nguyên thủ những quốc gia đồng minh, thân thiết của Mỹ sang thăm nước này trong cùng năm 2015, như Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Tổng thống Indonesia Joko Widodo... Và điều đặc biệt ở đây là Tổng Bí thư ta là chính khách nước ngoài duy nhất chỉ mang chức danh thủ lĩnh chính đảng chứ không mang chức danh người đứng đầu nhà nước có hội đàm chính thức với Tổng thống Mỹ trong phòng Bầu Dục (nơi chỉ tiếp nguyên thủ quốc gia) từ kết thúc Chiến tranh lạnh đến nay. Bất kỳ ai theo dõi quan hệ Việt – Mỹ cũng đều phải lấy làm ngạc nhiên về việc cuộc hội đàm và gặp gỡ báo chí của hai vị lãnh đạo cao nhất của hai nước kéo dài gần 95 phút (dự kiến ban đầu chỉ khoảng 45 phút) và về việc thành phần dự hội đàm có cả phó tổng thống (hiếm khi cả tổng thống và phó tổng thống cùng dự hội đàm với lãnh đạo nước ngoài).
Quan sát từ ngoài thì như vậy nhưng để đi đến thống nhất về mặt lễ tân, hai bên đã phải làm việc, trao đổi, thương lượng với nhau nhiều. Phía Mỹ ban đầu khá lúng túng do việc tổng thống Mỹ tiếp đón chính thức tổng bí thư của một Đảng Cộng sản nước ngoài là chuyện chưa từng xảy ra trong mấy chục năm qua; thậm chí cuốn Sổ tay quy định về lễ tân của Nhà Trắng không có mục nào về tiếp đón người đứng đầu đảng chính trị nước ngoài.
Cuối năm 2014, trong quá trình trao đổi với phía Mỹ về chuyến đi, một trong những việc cấp làm việc của Ban Đối ngoại Trung ương đã chủ động làm là lên một bảng thống kê danh sách 8 chuyến đi nước ngoài của Tổng Bí thư ta trong 3 năm 2012-2014, trong đó bao gồm tên nước, hình thức và danh nghĩa mời, cấp mời, có hội đàm chính thức hay không, với ai, có duyệt đội danh dự hay không, có văn kiện chung hay không, ở cấp nào, có bắn 21 phát đại bác hay không... để cung cấp cho phía Mỹ. Đây chính là một trong các cơ sở để những người và cơ quan Mỹ ủng hộ quan hệ Việt - Mỹ tham chiếu, nghiên cứu và trình lên lãnh đạo khi đề xuất các biện pháp lễ tân đón Tổng Bí thư ta. Việc này lại càng cần thiết trong bối cảnh ở cả hai nước vẫn có người phản đối Tổng Bí thư ta thăm Mỹ do nhiều nguyên do khác nhau. Nhưng những người này hẳn đã phải nghĩ lại khi chuyến thăm diễn ra rất thành công với sự đón tiếp rất trọng thị của phía Mỹ và không khí cuộc hội đàm rất thẳng thắn, chân thành. Ấy là chưa kể một “động thái” lễ tân rất lý thú nữa là việc phía Mỹ chủ động thu xếp để Phó Tổng thống Joe Biden chủ trì tiệc chiêu đãi sau hội đàm (dự kiến ban đầu là Ngoại trưởng John Kerry chủ trì, như đối với hầu hết các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo nước ngoài khác).
Xong tuyên bố chung 20 phút trước “giờ G”
Đỉnh cao của công tác chuẩn bị về nội dung cho chuyến đi là dự thảo và đàm phán về Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt - Mỹ. Ban đầu, phía Mỹ cho biết Mỹ không có tập quán và không có nhu cầu ra tuyên bố chung trong các hoạt động đối ngoại thông thường. Tuy nhiên, do biết phía Việt Nam có tập quán, có nhu cầu và do coi trọng Việt Nam nên Mỹ cũng đã có ngoại lệ này khi đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ hồi năm 2007 và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ hồi năm 2013. Lần này, phía Mỹ đặt vấn đề: Tuyên bố giữa Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác toàn diện mới được 2 năm, liệu có cần một tuyên bố nữa không? Sau khi đàm phán, phía Mỹ không chỉ tán thành về nguyên tắc có một bản tuyên bố chung mà còn rất hợp tác để xây dựng tuyên bố này, nhất trí cao với đề xuất của ta về tên gọi “Tuyên bố tầm nhìn chung Việt - Mỹ” với mục đích rõ ràng là hướng tới tương lai của mối quan hệ. Cũng với tinh thần đó, phía Mỹ nhất trí việc bản tuyên bố này khẳng định một lần nữa các nguyên tắc trong quan hệ hai nước: tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau..., mặc dù Tuyên bố 2013 giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama đã nêu nội dung này.
Đây là điều có ý nghĩa lớn không chỉ trong quan hệ song phương Việt - Mỹ mà còn có thể coi là một thông điệp gửi tới thế giới về “quan hệ kiểu mới” giữa hai quốc gia vốn đã có một quá khứ không dễ dàng với nhau.
Lấy mốc thời gian là khi người đàm phán của phía ta và của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đọc cho nhau rà soát văn bản cuối cùng làm mốc kết thúc đàm phán Tuyên bố tầm nhìn chung Việt - Mỹ thì có thể nói rằng cuộc đàm phán về Tuyên bố chung của chuyến đi này chỉ kết thúc chưa đầy 20 phút trước khi hai vị lãnh đạo bước vào hội đàm.
Cuộc hội đàm có nội dung rất thực chất, đề cập tất cả lĩnh vực quan trọng nhất trong quan hệ hai nước, lại diễn ra trong không khí rất xây dựng, thẳng thắn, tôn trọng lẫn nhau và đặc biệt là rất thân tình, ít tính xã giao, cũng không đọc văn bản chuẩn bị sẵn. Ví dụ: Khi trao đổi về việc mỗi quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đều phải điều chỉnh luật pháp, thể chế của mình để vừa đáp ứng các tiêu chuẩn cao của hiệp định vừa có được tối đa lợi ích từ hiệp định, Tổng Bí thư đề nghị Mỹ và 10 đối tác còn lại của TPP cần thông cảm và chấp nhận thời gian chuyển tiếp linh hoạt hơn với Việt Nam vì Việt Nam mỗi năm chỉ họp Quốc hội 2 lần, mỗi lần khoảng 1 tháng nên có rất nhiều việc phải làm, nhiều luật phải sửa đổi, xây dựng, nhiều vấn đề của đất nước phải cho ý kiến..., Phó Tổng thống Joe Biden bình luận: “Thế thì quốc hội Mỹ nên học tập Việt Nam rồi; quốc hội Mỹ họp quanh năm suốt tháng”. Không khí trao đổi thoải mái như vậy là lý do quan trọng khiến cuộc hội đàm kéo dài hơn dự kiến.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Tổng thống Joe Biden tại buổi chiêu đãi trọng thể của chính phủ Mỹ hôm 7-7-2015. Ảnh: TWITTER |
Đúng đắn, sáng suốt “Khi nghe Phó Tổng thống Joe Biden lẩy Kiều vào cuối bài phát biểu, trước khi nâng ly trong tiệc chiêu đãi sau hội đàm: “Đại thi hào Việt Nam Nguyễn Du từng viết: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” mà quả thật sương đang tan và mây đang vén” thì có lẽ tất cả những người dự tiệc đều bất ngờ và xúc động. Tôi không nghĩ ông Biden thuộc Kiều nhưng việc đưa Kiều vào phát biểu của ông Biden chứng tỏ phía Mỹ có những người tham mưu giỏi, thiện chí và lãnh đạo Mỹ cũng có ý chí chính trị, thiện chí và tầm nhìn để chấp nhận ý kiến tham mưu đó” - ông Bùi Thế Giang kể. Cũng theo ông Bùi Thế Giang, chuyến Tổng Bí thư thăm Mỹ là một quyết định hết sức đúng đắn, sáng suốt của Bộ Chính trị, thực hiện chính xác đường lối đối ngoại mà các văn kiện Đại hội Đảng đã đề ra, thực sự vì lợi ích quốc gia, dân tộc trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế hiện nay. |
Theo Người Lao Động