Xã hội

Điều chỉnh Quy hoạch thoát nước mới ở TP.HCM: Đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước

Nguyễn Thanh 09/11/2023 09:42

(TN&MT) - UBND TP.HCM vừa có Tờ trình gửi Bộ Xây dựng thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch thoát nước TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển thoát nước của thành phố, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước trên địa bàn thành phố.

Vấn đề cấp thiết

Theo UBND TP.HCM, Quy hoạch thoát nước TP.HCM đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19/6/2001 (Quy hoạch 752) là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước của thành phố. Tuy nhiên, Quy hoạch 752 đã hết thời hạn quy hoạch, trong khi điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 hiện cũng đang thực hiện song song với Quy hoạch này. Nếu phải chờ các quy hoạch nêu trên hoàn tất mới thực hiện quy hoạch thoát nước thì một số dự án đã và đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư sẽ không đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục thực hiện.

anh-1-tp.hcm-bi-ngap-nuoc.jpg
Trước tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ngập nước tại TP.HCM ngày càng gia tăng

Hiện tại, nhiều dự án đang được thực hiện trên địa bàn TP.HCM có liên quan đến hoặc đấu nối với hệ thống thoát nước mặt đô thị, thu gom và xử lý nước thải sẽ trở nên không đồng bộ, chồng chéo, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau nếu không sớm có một Đồ án quy hoạch tổng thể, định hướng thoát nước, thu gom và xử lý nước thải cho các khu vực của thành phố. Thời gian gần đây, trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mưa lớn, triều cường cao xảy ra thường xuyên hơn, tình trạng ngập úng tại TP.HCM ngày càng gia tăng. TP.HCM đang đối mặt với tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường thường xuyên nên cần sớm triển khai các giải pháp chống ngập úng đồng bộ và kịp thời. Do vậy, việc đồng thời lập quy hoạch thoát nước với Điều chỉnh Quy hoạch chung của TP.HCM là rất cấp thiết.

Đồng thời, các quy hoạch liên quan đến Quy hoạch thoát nước TP.HCM như: Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của TP.HCM, Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch Vùng TP.HCM, định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam; Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi; các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành về thủy lợi, đê điều và phòng chống lũ… đều đã được phê duyệt. Như vậy, các dữ liệu cơ sở cho Đồ án Quy hoạch thoát nước TP.HCM đã có sẵn và có giá trị về pháp lý.

Đảm bảo phù hợp

Theo UBND TP.HCM, hiện nay, nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến 2040, tầm nhìn đến 2060 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 14/9/2021, phạm vi Quy hoạch được xác định là toàn bộ phạm vi địa giới hành chính của TP.HCM, gồm: TP. Thủ Đức và các quận, huyện. Như vậy, phạm vi của Quy hoạch thoát nước TP.HCM sẽ được xác định toàn bộ phạm vi địa giới hành chính của TP.HCM gồm 22 địa bàn quận, huyện và TP. Thủ Đức, thời hạn của Quy hoạch thoát nước sẽ tuân theo thời hạn của Quy hoạch chung TP.HCM và được lập cho thời hạn đến 2040, tầm nhìn đến 2060.

Mục tiêu của Quy hoạch thoát nước TP.HCM nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển thoát nước của thành phố trong Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 và cập nhật điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Đồng thời, Quy hoạch thoát nước TP.HCM còn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước trên địa bàn thành phố; làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước trên địa bàn TP.HCM

Theo UBND TP.HCM, Đồ án Quy hoạch thoát nước TP.HCM mới sẽ gồm hai đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật riêng biệt là quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mặt đô thị; và quy hoạch thoát nước thải đô thị. Về định hướng, Quy hoạch thoát nước TP.HCM mới cần phân tích, đánh giá các yếu tố điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, hiện trạng hạ tầng thoát nước và đánh giá lại hệ thống thoát nước cấp I hiện hữu đã đảm bảo khả năng thoát nước mặt chưa, đưa ra các đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với tiêu chuẩn mới; rà soát, đánh giá các quy hoạch, các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình hình sụt lún nền đất và các tác động kép của hiện tượng sụt lún nền đất và biến đổi khí hậu; các dự án đầu tư xây dựng đã, đang và sẽ triển khai trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, quy hoạch cao độ nền cũng cần đề xuất các giải pháp san lấp tạo mặt bằng xây dựng, tăng diện tích mặt thấm và tăng khả năng trữ nước trước khi xả ra nguồn thoát; đồng thời, xác định cao độ nền xây dựng cho các khu vực theo lưu vực thoát nước, đảm bảo kiểm soát ngập úng do mưa, triều cường và đảm bảo tiêu thoát lũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh Quy hoạch thoát nước mới ở TP.HCM: Đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO