Điều chỉnh giá dịch vụ y tế - người dân hưởng lợi

05/03/2016 00:00

(TN&MT) - Bắt đầu từ 1/3, giá của 1.887 dịch vụ kỹ thuật y tế đã được điều chỉnh tăng bình quân khoảng 30% khi tính thêm chi phí phụ cấp phẫu thuật thủ thuật và phụ cấp trực của cán bộ y tế. Dự kiến, từ tháng 7 tới, khi tính tiền lương vào chi phí, giá dịch vụ y tế sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay. Việc điều chỉnh này đã gây ra nhiều lo lắng cho người dân. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn đánh giá thì được lợi nhiều nhất trong lần điều chỉnh này lại là người dân.

Người dân được hưởng lợi

Mức giá này bao gồm tính chi phí trực tiếp và chi phí phẫu thuật thủ thuật. Trước mắt, việc điều chỉnh tăng áp dụng cho đối tượng khám bảo hiểm y tế (BHYT). Bộ Y tế đánh giá, tăng giá dịch vụ lần này sẽ tác động đối với nhóm người phải đồng chi trả 20% khi đi khám chữa bệnh, nhưng mức độ ảnh hưởng không quá lớn.

Bởi trước đây, khi chưa tính đủ chi phí vào giá, người bệnh thường phải trả thêm, nay được tính đủ thì BHYT sẽ chi trả cho BV, người bệnh không phải chi tiền túi. Mặt khác, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên, đi khám chữa bệnh đúng tuyến, chỉ phải thanh toán đồng chi trả tối đa 6 tháng lương cơ sở, chi phí vượt quá sẽ được BHYT thanh toán.

Các đối tượng người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi đã được nhà nước cấp thẻ BHYT, khi đi khám đúng tuyến được chi trả 100%; đối tượng cận nghèo được nhà nước hỗ trợ 70% phí mua thẻ BHYT, chỉ phải đồng chi trả 5% khi đi khám chữa bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này sẽ dẫn tới phần cùng chi trả của người sử dụng thẻ BHYT tăng lên, vì giá tăng nhưng tỷ lệ đồng chi trả không đổi. Nhưng điều đó không có nghĩa là khoản chi từ “tiền túi” của người dân tăng lên, mà ngược lại giảm đi rất nhiều.

Đợt tăng giá dịch vụ y tế lần này là một tác động gián tiếp nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ông Sơn phân tích, trước đây khi cơ cấu chi phí không đủ, thuốc, VTYT chưa đủ, tiền công, tiền trực, tiền phụ cấp thủ thuật chưa có… có một sự thật mà người ta ít đề cập đến là để cung cấp một dịch vụ y tế cần phải 10 đồng thì dứt khoát đại đa số phải có 10 đồng, các cơ sở y tế mới có thể cung cấp được, nếu không thì BV cũng không lấy đâu ra nguồn kinh phí bù đắp. Vậy nên có một thực tế là cái gì nguồn chi từ quỹ BHYT chưa đủ thì người ta sẽ thu của người bệnh. Và họ cũng rõ ràng, sòng phẳng với người bệnh là cần phải đi mua mấy cái kim, bao nhiêu thuốc…. còn người bệnh sẵn sàng mua vì mục tiêu khi đó là chữa khỏi bệnh…

Bây giờ thì hầu hết những chi phí trực tiếp đó đã được đưa vào giá của dịch vụ thì người bệnh về nguyên tắc là không phải trả khoản đó nữa. Thực tế, đó là con số rất lớn. Theo thống kê, trước đây khoản chi từ tiền túi người dân lên tới 70%, tới năm 2013 là hơn 49%, và hiện nay chúng ta đang phấn đấu còn khoảng 45%. Nếu giảm được theo kỳ vọng từ đợt điều chỉnh giá này, tỷ lệ này đạt được mục tiêu 45%, đó là một con số rất ý nghĩa, lợi hơn rất nhiều cho người bệnh.

Chất lượng dịch vụ được nâng cao

Trong Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC có thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Theo nhận định của giới chuyên môn thì quy định này sẽ giảm những phiền toái từ thủ tục hành chính cho người sử dụng thẻ BHYT. Cùng với việc thông tuyến, giá dịch vụ được thực hiện đồng hạng trên toàn quốc, người bệnh sẽ không còn phải lo lắng mức giá cao hơn ở các cơ sở y tế tuyến trên khi một dịch vụ dù thực hiện ở bệnh viện huyện hay tỉnh, trung ương cũng như nhau.

Ông Sơn cho rằng, đây là một tác động gián tiếp để nâng cao chất lượng dịch vụ. Giá dịch vụ đồng hạng rồi thì nơi có uy tín, làm tốt thì sẽ thu hút được nhiều bệnh nhân hơn. Nếu đã được trả giá đó rồi mà vẫn không tạo được tín nhiệm cho người bệnh thì không có bệnh nhân, dẫn đến không có nguồn thu. Như thế, chất lượng dịch vụ y tế sẽ bắt buộc phải tăng. Xu thế hiện nay là, muốn giữ bệnh nhân, muốn có bệnh nhân, nâng tầm thương hiệu của bệnh viện thì buộc phải tăng chất lượng chứ không phải chỉ hô hào khẩu hiệu.

Một vấn đề khác nữa, trước đây người bệnh thường lên tuyến trên bởi vì tuyến trên được trả cao hơn, thu hút nhân lực chất lượng cao, trang thiết bị tốt hơn nên có thực tế là, cũng kỹ thuật đó tuyến trên làm tốt hơn tuyến dưới. Nhưng với cơ cấu giá công bằng, khi tuyến dưới cũng có điều kiện để đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật để thực hiện, đồng thời quy định mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cũng hạn chế mức chi từ quỹ BHYT cho các trường hợp tự vượt tuyến, trái tuyến, thì tâm lý người dân cũng yên tâm khám chữa bệnh đúng tuyến, đây sẽ là cơ sở để không tạo nên quá tải ảo ở tuyến trên.

Phạm Thu Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh giá dịch vụ y tế - người dân hưởng lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO