“Diễn tập” học đường!

Việt Hải| 15/02/2022 11:46

Hồi hộp cả đêm không ngủ, chờ đến sáng để được đi học tập trung, vỡ òa cảm xúc, ôm nhau, chạy nhảy, cười đùa, quên mang khẩu trang và nháo nhào thông báo về các ca lây nhiễm, tiếp tục quay trở lại học online… đó là muôn sắc màu của những ngày đi học đầu năm sau một quãng thời gian dài chỉ gặp thầy cô, bạn bè qua “màn ảnh nhỏ”.

Một trường PTTH trên địa bàn Cầu Giấy đã phải cho các khối lớp 11, 12 quay lại học online, chỉ còn lại khối 10 cũng đang phập phồng mong mỏi không có ca Covid-19 nào nhảy dù để các em trụ lại được. Một lớp học có trên 50% ca nhiễm chỉ sau vài giờ tiếp xúc. Một số trường học trên địa bàn TP. Hà Nội chung tình trạng tương tự. Ở các tỉnh, nhiều trường học vẫn chưa sẵn sàng mở cửa đồng loạt và một số phụ huynh vẫn còn khá băn khoăn trước việc cho con mình quay trở lại học tại trường.

covid.jpg

Học sinh được kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào lớp. Ảnh: Tuấn Anh

Rõ ràng, học tập trung là một nhu cầu cần thiết của ngành giáo dục nói chung, của thầy cô và các em học sinh nói riêng. Bản thân phụ huynh cũng mong mỏi điều đó bởi như phát ngôn của nhiều cư dân mạng vui tính thì ngày toàn dân đưa trẻ trở lại trường là ngày “Giải phóng phụ huynh”. Ấy thế nhưng, sự hân hoan đã không được đáp ứng như kỳ vọng.

Có lẽ, người chịu tác động nặng nề nhất là các Thầy Cô chủ nhiệm lớp. Trong một ngày, ngoài việc phát đi thông báo, họ phải đọc, trả lời hàng chục tin nhắn, cuộc gọi của phụ huynh để giải đáp, hướng dẫn, làm rõ… về các trường hợp lây nhiễm. Bản thân họ cũng rất lo lắng cho học sinh của mình.

Có người cho rằng, người chịu tác động nặng nề phải là học sinh bị lây nhiễm và phụ huynh học sinh. Không hẳn! Việc các em học sinh được tiêm phòng đã khiến tác động do Covid-19 bị hạn chế rất nhiều. Về phụ huynh, đa số tỏ ra bình tĩnh tiếp nhận tình huống và đủ kiến thức ứng phó. Nhiều phụ huynh bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ. Tuy nhiên, không hiếm phụ huynh thể hiện thái độ gay gắt trước hệ lụy do việc học tập trung gây ra, công khai phản đối việc học tập trung khi chưa có một cơ chế an toàn cho học sinh khi trở lại trường. Có ý kiến oán trách, chỉ trích sự hồ đồ, vội vàng chạy theo thành tích của nhà trường và thầy cô chủ nhiệm. Ở một góc nào đó, những phê phán này có phần không sai.

Đại dịch đã khiến người ta sống chậm lại, thực tế hơn và ít “khua chiêng gõ mõ” hơn. Những gì thuộc về thành tích lùi lại phía sau, nhường chỗ cho an toàn sức khỏe. Vì vậy, trong cái mối tơ vò trường lớp của năm học, cần có cái nhìn khách quan để chấn chỉnh tình hình, điều chỉnh kịp thời và linh hoạt để tránh những hệ lụy đáng tiếc.

Trước tiên phải khẳng định, chủ trương đẩy mạnh tiêm chủng cho lứa tuổi học sinh và mở cửa an toàn trường học của Chính phủ là chủ trương hoàn toàn đúng, đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng chính đáng của phụ huynh, học sinh và đáp ứng quyền được đi học của các em.

Từ chủ trương này, việc Bộ Giáo dục triển khai Kế hoạch mở cửa lại trường học cũng không sai.

Thế nhưng, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã chỉ rõ, thích ứng phải linh hoạt và an toàn; đồng thời giao cho các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai, kịp thời theo sát, báo cáo, điều chỉnh trong trường hợp đặc biệt.

Như vậy, ở góc độ giáo dục, trong triển khai nhiệm vụ, nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cân nhắc kỹ, yêu cầu các sở giáo dục chỉ đạo các phòng giáo dục và nhà trường về điều kiện cần và đủ khi mở cửa; có kịch bản cho nhóm địa phương, nhóm đối tượng, lứa tuổi và tình huống cụ thể để linh hoạt chuyển trạng thái khi cần thiết, đặc biệt chú trọng nhóm chưa được tiêm vắc-xin và học bán trú. Các sở, phòng giáo dục, nhà trường phải phối hợp với chính quyền, căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn để quyết định thời điểm mở cửa và sẵn sàng các phương án đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong trường hợp dịch lan rộng trong trường. Tránh việc mở cửa một cách cứng nhắc, vội vàng, biến học sinh thành đối tượng cho phong trào “diễn tập học đường” vô nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Diễn tập” học đường!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO