Tam nông được chú trọng
Sau khi tái lập tỉnh, một trong những lĩnh vực được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm lãnh đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, cơ chế đột phá là nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Phát huy truyền thống của quê hương “Khoán hộ” những năm 60 của thế kỷ XX, Vĩnh Phúc Ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 01/11/2002 về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2001- 2005; Nghị quyết số 03/NQ-TU, ngày 27/12/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006- 2010, định hướng đến năm 2020. Đây được coi là Nghị quyết của “ý Đảng – lòng dân”, hướng tới một nền nông nghiệp tiên tiến, là một trong những cơ sở thực tiễn để Trung ương ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và là tiền đề để tỉnh thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao.
HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cụ thể hóa những chủ trương của tỉnh ủy bằng các cơ chế, chính sách như: Miễn thủy lợi phí cho sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ giáo dục mầm non; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, cung cấp thông tin cho nông dân; hỗ trợ làm giao thông nông thôn; hỗ trợ vùng trồng trọt và xây dựng khu sản xuất tập trung; đầu tư kiên cố hóa kênh mương; cấp đất dịch vụ; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề; hỗ trợ di dân tái định cư; hỗ trợ thu nhập cho nông dân, hỗ trợ đầu tư cho các xã, phường, thị trấn có đất nông nghiệp phải thu hồi cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Vĩnh Phúc rất chú trọng phát triển vấn đề tam nông (nông nghiệp - nông thôn- nông dân) |
Sau 25 năm tái lập tỉnh, diện mạo nông thôn đổi thay toàn diện, chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm đạt kết quả quan trọng. Kinh tế nông nghiệp nông thôn chuyển biến rõ rệt theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; kết cấu hạ tầng nông thôn được xây dựng đồng bộ, khang trang; đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Đến hết năm 2021 dự kiến toàn tỉnh có 100% số xã (105 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã nông thôn mới nâng cao, 36 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 5/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huy động và tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân về chủ trương xây dựng, cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường tại khu dân cư; đã vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ tiền, ngày công trị giá gần 700 tỷ đồng, xây dựng 734,02 km cống rãnh thoát nước; chất lượng môi trường sống tại nhiều vùng nông thôn, khu dân cư trong toàn tỉnh được nâng lên, tạo hiệu ứng lan tỏa, đoàn kết trong toàn tỉnh.
Nhờ vậy mà tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2021 của Vĩnh Phúc giảm còn 0,44%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. 100% xã trên địa bàn được phủ điện lưới quốc gia và 100% hộ dân được dùng điện lưới; cáp quang đã đến 100% số thôn.
Hạ tầng giao thông cải thiện rõ rệt
Không chỉ tập trung cho hạ tầng nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nói chung cũng được tỉnh Vĩnh Phúc tập trung hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại. Khi mới tái lập, các tuyến đường quốc lộ chủ yếu là đá răm, cấp phối đến nay được nhựa hóa 100%; tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua tỉnh với 5 nút giao đã, đang và sẽ là điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh phía Bắc và vùng đồng bằng Sông Hồng.
Hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng của Vĩnh Phúc được cải thiện rõ rệt |
Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ được cứng hóa đạt 100%; các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm huyện đều được mở rộng, cải tạo nâng cấp; kiên cố hóa được 95% tuyến giao thông nông thôn (năm 1997 là 2,6%) và 65% giao thông nội đồng. Các tuyến giao thông quan trọng đã được hình thành, nâng cấp và mở rộng như: Đường từ cầu Bì La đi Lập Thạch; Đường Hợp Thịnh - Đạo Tú; Hợp Châu - Đồng Tĩnh; Văn Quán đi Sông Lô; Tây Thiên - Tam Sơn; Đường nối từ Đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh đi Tây Thiên; Đường Tây Thiên - Bến Tắm; Đường vành đai 3; Đường QL2 đi cầu Phú Hậu; Mở rộng cầu Bì La… Hệ thống giao thông tĩnh như các bến xe, điểm đỗ xe buýt được đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển.
Nhiều dự án lớn, trọng điểm tạo điểm nhấn quan trọng trong hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân, như: Văn Miếu tỉnh, Khu Trung tâm Văn hóa lễ hội Tây Thiên, Nhà hát tỉnh, Công viên Quảng trường Hồ Chí Minh, Nhà điều trị nội trú Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc, Trung tâm Hội nghị quốc tế, Cầu Vĩnh Thịnh, Cầu Phú Hậu, Cầu Vĩnh Phú, Cầu Đầm Vạc, đường song song với đường sắt Hà Nội – Lào Cai, Khu công viên giải trí thành phố Vĩnh Yên; các khu du lịch: Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải …
Có thể nói, công tác quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị của Vĩnh Phúc luôn đi trước một bước và được triển khai đồng bộ, thể hiện tầm nhìn của tỉnh đối với tương lai. Hiện toàn tỉnh đã có gần 30 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II được quy hoạch, đầu tư theo hướng hiện đại, xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III, trở thành thành phố công nghiệp, du lịch dịch vụ và giáo dục của tỉnh.