Diện mạo mới Mường Cơi
(TN&MT) – Tháng 11/2019, Mường Cơi là xã thứ 3 của huyện Phù Yên được UBND tỉnh Sơn La công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), về đích trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra. Nhờ triển khai đồng bộ các chính sách trên các lĩnh vực, diện mạo nông thôn Mường Cơi đã và đang ngày càng khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.
Để hiểu rõ hơn về những cách làm hay, hiệu quả tại địa phương này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hà Văn Hoàng – Chủ tịch UBND xã Mường Cơi.
PV: Để phát triển KT-XH địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã được Mường Cơi thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Hà Văn Hoàng:
Nằm ở phía đông của huyện Phù Yên, Mường Cơi có tổng diện tích trên 6.400ha, trên 7.000 nhân khẩu, 4 dân tộc anh em Mường, Kinh, Dao, Mông cùng sinh sống.
Trước đây, khi chưa xây dựng NTM, Mường Cơi có tỷ lệ hộ nghèo khá cao, người dân sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ. Nhận thức và trách nhiệm của một số cán bộ bản, một bộ phận nhân dân còn trông chờ ỷ lại vào nhà nước, chưa thực sự phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Năm 2010, bắt tay vào công cuộc xây dựng NTM, Đảng ủy, HĐND, UBND xã luôn xác định, xây dựng NTM cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp và mỗi cá nhân. Chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, huy động người dân chung sức đồng lòng xây dựng NTM, phát triển KT-XH, tập trung vào các giải pháp để nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, phát triển giao thông nông thôn, bảo vệ môi trường.
Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM, Mường Cơi tiếp tục vận động người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thâm canh các loại cây cho năng suất, giá trị cao như lúa lai, ngô lai, cây ăn quả có múi, cây chè; kết hợp khoanh nuôi, bảo vệ hơn 2.000ha diện tích rừng hiện còn. Triển khai quy hoạch 2 vùng sản xuất, vùng 1 phát triển cây ăn quả có múi, chăm sóc rừng trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm…; vùng 2 phát triển trồng cây dược liệu, chanh leo, kinh doanh dịch vụ…
Tạo điều kiện, khuyến khích người dân thường xuyên học hỏi các mô hình kinh tế mới có hiệu quả, đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Thành lập, tham gia các hợp tác xã để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững.
Đồng thời, giao các ban ngành đoàn thể từ xã đến bản rà soát các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Đổi mới công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người dân để vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển sản xuất.
PV: Qua triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như đã nêu ở trên, ông có thể thông tin một số kết quả nổi bật mà Mường Cơi đã đạt được?
Ông Hà Văn Hoàng:
Có thể khẳng định, bằng sự nỗ lực của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến bản, sự đồng lòng nhất trí của cán bộ, nhân dân các dân tộc trong xã, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của xã thời gian qua đã có những kết quả tích cực.
Đến với Mường Cơi hôm nay, có thể thấy một xã nông thôn mới đang ngày càng “thay da đổi thịt”, với những tuyến đường trục xã, liên xã, liên bản đã được đổ nhựa, bê tông hóa; cơ sở vật chất trường lớp, nhà văn hóa các bản được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Mỗi cuối tuần, các tổ chức chính trị xã hội của xã đều duy trì phát động ra quân hỗ trợ người dân thu gom rác thải, chỉnh trang nhà cửa, thực hiện tiêu chí môi trường…
Mường Cơi cũng đã xây dựng, phát triển và duy trì nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả kinh tế cao, có thể nhân rộng như: Phát triển chăn nuôi của hộ ông Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Duy Khanh, thu nhập bình quân 200-250 triệu đồng/năm; phát triển trồng cây ăn quả có múi của hộ ông Nguyễn Văn Sử, thu nhập mỗi năm từ 600-800 triệu đồng… Ngoài ra, nhiều hộ phát triển trồng rừng kinh tế và trồng chè cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ đó, đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 8,13%, hộ cận nghèo 3,14%.
PV: Phát triển KT-XH, xây dựng NTM luôn là chặng đường đầy gian nan. Vậy, Mường Cơi có đang đối diện những khó khăn, thách thức nào không, thưa ông?
Ông Hà Văn Hoàng:
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ được giao của cấp uỷ, các ngành có lúc, có nơi chưa thường xuyên liên tục, chưa tạo thành nề nếp, nhất là thông tin báo cáo còn sơ sài chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các chương trình, phong trào đôi lúc chưa thường xuyên, chưa sâu rộng ở các bản.
Đời sống của một bộ phận người dân, người nghèo, người có thu nhập thấp còn gặp khó khăn. Một bộ phận nông dân chưa tự chủ, chủ động, năng động trong việc thay đổi tập quán sản xuất, phát triển kinh tế, vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Các vấn đề về ma túy, tranh chấp đất đai, tai nạn giao thông, xử lý chất thải chưa được xử lý dứt điểm.
Bên cạnh đó, thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường, gió lốc, mưa lớn làm đổ gẫy và thiệt hại đến sản xuất cây trên nương và đời sống nhân dân; sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và điều kiện tự nhiên sẵn có.
PV: Tháo gỡ khó khăn, hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH năm 2024, góp phần giảm nghèo bền vững, Mường Cơi sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?
Ông Hà Văn Hoàng:
Thời gian tới, Mường Cơi sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực cho sự phát triển, nâng cao hiệu quả, tính ổn định và bền vững của nền kinh tế. Chỉ đạo, hỗ trợ tạo điều kiện, khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao như cam, bưởi, nhãn…; phát triển các loại hình chăn nuôi tập trung trang trại, nuôi công nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Qua đó, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Rà soát các diện tích trồng ngô sắn không hiệu quả, vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có múi. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung, nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; hướng tới xây dựng chỉ dẫn địa lý, liên kết sản xuất, thành lập hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất…
Thường xuyên rà soát, triển khai thực hiện kịp thời các chế độ chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao tính chủ động sáng tạo, tinh thần tự lực tự cường trong công tác giảm nghèo, phát huy truyền thống tương trợ, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư.
Phấn đấu đến hết năm 2024, Mường Cơi có 2 bản Tân Tường Hợp và bản Ngã Ba đạt bản NTM kiểu mẫu; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,63%; xóa nhà tạm xuống còn 2%.
Trân trọng cảm ơn ông!