Trong nước

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023: Phát huy trí tuệ vào các vấn đề quan trọng quốc gia

Khương Trung 19/09/2023 13:14

(TN&MT) - Sáng 19/9, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 chính thức khai mạc, đồng thời tiến hành thảo luận Chuyên đề 1 với chủ đề: “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”. Diễn đàn được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) và kết nối trực tuyến tới 06 điểm cầu ở 3 khu vực Bắc - Trung – Nam.

190920230818-z4706043722209_5d54a8c7754f4a20bb65089449f0c4aa.jpg
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam là chương trình tổ chức thường niên, trong những năm qua đã phát huy được tầm ảnh hưởng tích cực, đưa đến những khuyến nghị đúng đắn trong phát triển đất nước bền vững. Kế thừa thành công của Diễn đàn các năm trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" cho Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023.

Về phía các cơ quan đồng tổ chức Diễn đàn, có: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội các thời kỳ, đại diện một số tập đoàn kinh tế cùng một số cơ quan hữu quan.

Tham dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 có khách mời là các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Nguyên Bí thư Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Chương trình có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng Ban, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan trung ương, lãnh đạo các ban, bộ, ngành cơ quan trung ương, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Diễn đàn phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, đóng góp vào các vấn đề quan trọng quốc gia

190920230812-z4706066658874_aff41f072cf77b05a06ff25adea87ba6-1-.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam là sự kiện thường niên hằng năm của Quốc hội, là phương thức quan trọng để quy tụ và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các vấn đề quan trọng quốc gia, các quyết sách của Quốc hội.

Qua hai lần tổ chức từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí, tổ chức quốc tế và trong nước, của Trung ương và địa phương.

Thành công của Diễn đàn Kinh tế 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” và Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển bền vững” đã để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn cao, cung cấp các thông tin hữu ích, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, điều hành, nhất là công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều đề xuất, gợi mở hữu ích tại Diễn đàn đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát, nghiên cứu để xây dựng, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh, quyết liệt, ứng phó kịp thời, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế trên cơ sở phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường. Đại dịch COVID-19 để lại nhiều “di chứng” nặng nề không chỉ đối với sức khỏe của con người, mà còn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và những hệ quả khôn lường.

Trong khó khăn chung của thế giới và khu vực, từ Quý IV năm 2022, các động lực tăng trưởng, sản xuất công nghiệp của Việt Nam… có xu hướng chậm lại khi các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn của nước ta bị thu hẹp, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, hậu quả đại dịch COVID-19 kéo dài; xung đột Nga - Ukraine, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc; lạm phát cao kỷ lục tại một số nền kinh tế lớn, chính sách tiền tệ của các nước lớn tiếp tục thắt chặt, tăng trưởng kinh tế thấp, tổng cầu yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng; nợ công, thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng, bất động sản… tại một số nước tiềm ẩn nhiều rủi ro.

190920230908-z4706128703712_cf62771beedde9e8352d7dde751350f6.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham dự diễn đàn

Các chính sách đề xuất tại Diễn đàn năm 2022 tiếp tục được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để xây dựng, ban hành các quyết sách mạnh mẽ, ứng phó kịp thời với tình hình mới; trong đó có Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, triển khai các gói tín dụng, thành lập các Hội đồng điều phối vùng, thúc đẩy liên kết vùng,…; hay cho phép áp dụng thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, một trong những “đầu tầu” quan trọng của nền kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chính nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhìn tổng thể nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, định hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện. Trong 8 tháng đầu năm 2023, thu hút vốn đầu tư FDI , giải ngân đầu tư công, khu vực dịch vụ có chuyển biến tích cực hơn; một số địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi hoặc duy trì đà tăng nhanh; công tác an sinh xã hội được quan tâm…

Theo Chủ tịch Quốc hội, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng thời gian qua, có thể nhận thấy, nền kinh tế đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn. Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Cho biết một số hạn chế trong xuất khẩu hàng hóa, thu hút FDI, đầu tư công, khu vực công nghiệp và xây dựng, tiêu dùng, dịch vụ, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách; trong đó nhiều diễn biến mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo. Trong nước, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn… Đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài.

Chủ tịch Quốc hội cho biết qua các cuộc khủng hoảng, các khó khăn, thách thức, chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng và vai trò quyết định của nội lực, tính tự chủ trong phát triển kinh tế. Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng là yêu cầu khách quan, tất yếu và cấp thiết.

Theo Chủ tịch Quốc hội, từ thực tế vươn lên trong đại dịch khi đối diện với những khó khăn, thử thách khắc nghiệt như 3 năm vừa qua, một trong những bài học quan trọng nhất là xây dựng và thúc đẩy nội lực mạnh mẽ để ứng phó với những thách thức và tính bất định của các yếu tố bên ngoài. Chúng ta cần tăng cường, phát huy “nội lực”, vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực” để thích ứng và phát triển, đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt đặc biệt trong bối cảnh, tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng.

Xuất phát từ tình hình đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc, quyết định lựa chọn vấn đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" làm chủ đề cho Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023.

Với tinh thần “đồng lòng, chung sức, cùng nhau vượt khó”, để đạt được các mục tiêu của Diễn đàn, có tính thiết thực, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn lắng nghe những ý kiến, trao đổi, thảo luận tập trung giải đáp 03 câu hỏi lớn sau:

Một là, dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, cơ hội, rủi ro, thách thức nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, 2024 và giai đoạn tiếp theo?

Hai là, thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động hiện nay như thế nào? dự báo cho cả năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025?

Ba là, năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ nào nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021-2025?

Căn cứ các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, ngay sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban tổ chức Diễn đàn sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Kế thừa ba bài học kinh nghiệm sâu sắc

Phát biểu đề dẫn tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đã gợi ý một số nội dung tại Diễn đàn. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhận định, Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi song đang đứng trước nhiều thách thức lớn, có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước, cuối năm khó khăn hơn so với đầu năm; đòi hỏi chúng ta cần có biện pháp ứng phó linh hoạt để lội ngược dòng thành công.

190920230849-13.jpg
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại diễn đàn

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, trong bài phát biểu chỉ đạo quan trọng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gợi mở 3 nhóm vấn đề then chốt; đề nghị các vị đại biểu, các nhà khoa học tập trung thảo luận bám sát chủ đề diễn đàn, đưa ra các giải pháp hợp lý, thực tế, khả thi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tìm ra những giải pháp mới, phấn đấu hoành thành cao nhất các mục tiêu năm bản lề 2023, tạo lập nền tảng thuận lợi, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Khẳng định nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, nhiều năm qua chúng ta đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kéo theo thách thức lớn về tỉ giá, đứt gãy chuỗi cung ứng, lao động… Trong khi đó các vấn đề bất cập tích tụ trong nhiều năm như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán bộc lộ rõ hơn trong đại dịch COVID-19, đã ảnh hưởng và trực tiếp tác động lên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, gây ra nguy cơ rủi ro về hệ thống không nhỏ.

Vận dụng nguyên tắc dĩ bất biến, ứng vạn biến, Việt Nam đã thực hiện các chính sách vừa tập trung chống dịch, thích ứng với các sức ép từ bên ngoài, tháo gỡ các điểm gỡ ở bên trong, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn, củng cố niềm tin của Nhân dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, nhưng chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc, trở ngại không thể kịp khắc phục trong một sớm một chiều.

190920230811-2.jpg

Để xác định kịch bản tăng trưởng trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các quý vị, các nhà khoa học thảo luận, tìm ra những giải pháp thực tiễn, khả thi, đột phá nhằm khôi phục các động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế: (1)- Đánh giá đầy đủ và chủ động khôi phục tiêu dùng trong nước; (2)- Khôi phục dòng vốn đầu tư; (3)- Tháo gỡ những khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nhấn mạnh Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2023 không chỉ bàn về những vấn đề trước mắt, mà giải quyết những vấn đề trước mắt để đặt cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề trung hạn và lâu dài, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Vấn đề quan trọng mà Diễn đàn nêu ra: nâng cao năng suất lao động là phương thức căn bản nhất để Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, bởi điều này gắn liền với việc khởi tạo hai quá trình chuyển dịch cơ bản của nền kinh tế, bao gồm: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển nguồn lực từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn nhằm sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực. Tạo hiệu ứng kinh tế quy mô, khai thác lợi thế nhờ quy mô để tăng năng suất trong từng doanh nghiệp, từng ngành và từng vùng kinh tế.

Nhìn lại những nỗ lực phấn đấu, những kết quả đạt được và cả những điều chưa làm được trong năm 2023 và qua nửa nhiệm kỳ 2021 – 2025, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu cần tiếp tục kế thừa ba bài học kinh nghiệm sâu sắc đã đúc kết được:

Bài học về hoán chuyển những rủi ro, thách thức từ bên ngoài trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tạo ra sự phân mảng, đứt gãy của nền kinh tế thế giới, sự dịch chuyển, phân tách của các chuỗi cung ứng toàn cầu trở thành cơ hội để Việt Nam phát huy vai trò tâm điểm kết nối, thu hút các dòng vốn đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu.

Bài học về vượt khó và càng trong khó khăn, càng cần phải chú ý đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, tích cực hỗ trợ những người lao động, người nghèo trước nguy cơ bị mất việc làm, thu nhập giảm sút và giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu gia tăng. Đây cũng là dịp để phát huy vai trò của hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh và an sinh xã hội, những mô hình độc đáo, nhân văn như tín dụng chính sách xã hội trong việc mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho người dân có thu nhập thấp, thúc đẩy bình đẳng giới, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ phương châm: phát triển vì con người, đặt người dân ở trung tâm của quá trình phát triển, ổn định để phát triển và phát triển để đảm bảo tăng trưởng bền vững, mà Việt Nam đã kiên định tiến hành qua gần 40 năm đổi mới.

Bài học trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách trên nguyên tắc: phải bám sát chương trình, kế hoạch hành động; chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề ra những giải pháp khả thi, bám sát thực tiễn gắn với cụ thể hoá, cá thể hóa trách nhiệm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với uỷ quyền, trao quyền và giao quyền cụ thể; đổi mới tư duy và phương thức phân bổ nguồn lực…

Với tinh thần khoa học và trách nhiệm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lý, doanh nhân tham gia Diễn đàn hôm nay tập trung trao đổi, thảo luận để xác định những biện pháp mới, có tính đột phá đưa kinh tế - xã hội Việt Nam vững vàng vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ, tận dụng được các xu hướng lớn để hoán chuyển các nguồn lực tiềm năng thành các động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023: Phát huy trí tuệ vào các vấn đề quan trọng quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO