Tại diễn đàn, các vị đại biểu đã được Ban tổ chức cập nhật tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi. Theo đó, tính đến ngày 14/3/2019, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 17 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thống kê đến thời điểm hiện tại tổng trọng lượng tiêu hủy là khoảng 500 tấn thịt lợn.
Ông Nguyễn Văn Hưởng – Phó Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ: Các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên động vật, thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh diễn ra tại địa phương trên các kênh thông tin chính thức để đảm bảo tuyên truyền một cách chính xác về tình hình dịch bệnh.
Tăng cường xây dựng các phương án phòng chống dịch bệnh phù hợp với đặc điểm của từng nhóm bệnh trên động vật, ban hành văn bản hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương.
Giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả để không lây lan diện rộng. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, dụng cụ lấy mẫu…
Tăng thời lượng tuyên truyền bằng nhiều hình thức như thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, hệ thống truyền thanh, tờ rơi… để nâng cao nhận thức cộng đồng, tránh hoang mang trong xã hội và đặc biệt để người dân hiểu đúng về dịch bệnh.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Đến nay, đối với dịch bệnh tả lợn châu Phi trong chăn nuôi vẫn chưa có Vaccine điều trị. Do đó, theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn cho các cơ sở chăn nuôi, các chủ trang trại cần phải thực hiện ngay giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, đồng bộ.
Khi lợn có triệu chứng nghi nhiễm bệnh dịch bệnh tả lợn châu Phi cần lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân bệnh. Nếu phát hiện dương tính, không thực hiện điều trị lợn bệnh mà cần báo ngay chính quyền địa phương và thú y cơ sở để tiêu hủy sớm toàn bộ đàn lợn, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.
Phương phát lấy mẫu để kiểm tra bệnh dịch nên lấy tối đa 5 mẫu tại một ổ dịch bệnh, nghi nhiễm bệnh. Đối với những con lợn đã chết, nên lấy mẫu là hạch lâm ba bẹn, hạch dưới hàm. Đối với lợn còn sống (đang ốm, sốt) sẽ lấy mẫu máu được chống đông bằng bổ sung EDTA 0,5%.
Cũng tại diễn đàn ông Nguyễn Văn Sơn thông tin sau 2 ngày phát hiện ổ dich mới, thì theo thông tin cập nhật của Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội trong ngày 14/3 đã xác định thêm 2 ổ dịch tại địa bàn 2 xã thuộc huyện Quốc Oai. Như vây, riêng với Hà Nội tính tới thời điểm hiện tại, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã lan rộng ra 6 quận, huyện gồm: Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn và Quốc Oai.