Bà Hoàng Thị Bất, là nhân chứng quan trọng (sống cùng thời điểm với hộ bà Sinh, bà Thìn) làm chứng trong vụ án kể trên. |
2 bản án gây "bão" dư luận
Việc tranh chấp đất đai giữa hộ bà Nguyễn Thị Sinh, ông Vũ Thế Đệ với hộ bà Chu Thị Thìn cùng trú tại tổ 5, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ đã diễn ra suốt 20 năm qua. Ông Đệ và bà Sinh cho rằng: "Hộ bà Chu Thị Thìn đang sử dụng lối đi rộng 2m và dài 12,8m vào nhà là đất của mình". Nhưng trên thực tế, đây là lối đi chung đã có từ năm 1983 của khu tập thể may mặc, phố A1 trước đó. Xét trên Giấy tạm giao đất của sở Địa chính (nay là Sở TN&MT) thì diện tích đất này là của ông Đệ và bà Sinh. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ trên Giấy tạm giao đất thì chưa đủ cơ sở pháp lí vì diện tích đất vẫn chưa được bàn giao ngoài thực địa.
Vào năm 2009, bà Sinh và ông Đệ đã làm đơn kiện bà Thìn để đòi lại phần đất mà họ cho rằng: đó là đất hợp pháp của mình. Cũng từ đó, mâu thuẫn nảy sinh giữa các hộ gia đình giáp danh và ngày càng trở nên gay gắt. Trước đó, UBND TP. Điện Biên Phủ, UBND tỉnh Điện Biên và các sở, ngành đang nỗ lực giải quyết dứt điểm vụ việc thì TAND TP. Điện Biên Phủ đưa vụ án ra xét xử. Ngày 7/5/2010, TAND TP. Điện Biên Phủ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Bản án số 02/2010/DS-ST, tuyên án bà Nguyễn Thị Sinh thắng kiện; trong khi phiên tòa xử sơ thẩm phía bà Chu Thị Thìn vắng mặt vì không nhận được giấy tống đạt của Tòa. Vì quá bất ngờ với bản án sơ thẩm, bà Thìn đã làm đơn kháng án lên TAND tỉnh Điện Biên. Ngày 11/8/2010, TAND tỉnh Điện Biên, tiếp tục mở phiên tòa xét xử phúc thẩm số 12/2010/DS-PT và tuyên y án sơ thẩm.
Quá bất bình với 2 bản án trên, bà Chu Thị Thìn làm đơn kháng án gửi TAND Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, đồng thời, bà Thìn đã gửi đơn kêu cứu về Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ. Trước thực trạng đó, buộc UBND tỉnh Điện Biên phải chuyển công văn số 2333/UBND-TD, ngày 30/11/2012 trả lời Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và TAND Tối cao.
Ngày 16/9/2013, Giám đốc thẩm, Tòa dân sự, TAND Tối cao ra Quyết định số 378/2013/DS-GĐT về việc tranh chấp đất đai tại tổ 5, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ. Qua đó, tuyên hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 02/2010 và bản án dân sự phúc thẩm số 12/2010, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP. Điện Biên Phủ tiến hành xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của luật pháp.
Cơ quan tố tụng địa phương không còn "mất điểm"
Sau nhiều lần tạm đình chỉ xét xử vụ án, ngày 18/5/2016, TAND TP. Điện Biên Phủ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 27/2017/TLST-DSTC, ngày 2/12/2013 về việc “tranh chấp quyền sử dụng đất – tranh chấp lối đi”. Hội đồng xét xử do bà Hoàng Thị Hòa, Thẩm phán làm Chủ tọa phiên tòa. Có mặt tại phiên tòa gồm: bà Chu Thị Thìn (bị đơn), bà Hoàng Thị Bất trú tại tổ 14, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ là người làm chứng và bà Phan Thị Khít trú tại tổ 22, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.
Ngày 18/5/2016, TAND TP. Điện Biên Phủ xử lại vụ án tranh chấp đất đai dưới chân đồi A1. |
Phía nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Sinh và ông Vũ Thế Đệ, ông Trần Quang Ngọ (người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan) và ông Vũ Đức Tâm (người làm chứng bằng văn bản) đều vắng mặt có lí do. Mặc dù không có mặt đầy đủ các đương sự, TAND TP. Điện Biên Phủ vẫn tiếp tục thực hiện phiên tòa xét xử phúc thẩm.
Tại phiên tòa xét xử, bị đơn Chu Thị Thìn, cho biết: Lối đi tiếp giáp với diện tích đất của ông Đệ và bà Sinh là lối đi duy nhất của gia đình đã sử dụng từ năm 1980 đến nay. Bà Thìn khẳng định: "Lối đi hiện nay gia đình bà đang sử dụng là đất của nhà nước, bà không mượn đất của ông Đệ và bà Sinh, do vậy bà không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của ông Vũ Thế Đệ và bà Nguyễn Thị Sinh”.
Cũng trong phiên tòa xét xử, bà Hoàng Thị Bất, người làm chứng cho biết: Lối đi mà bà Sinh cho là phần đất của mình đã có từ lâu, lối đi này là của khu tập thể may mặc, phố A1 trước đó chứ không phải là phần đất của bà Sinh và ông Đệ cho bà Thìn mượn để làm đường vào nhà. Bà Bất cam đoan trước tòa rằng: "Sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật nếu như những lời làm chứng của mình sai sự thật". Trả lời phần xét hỏi tại phiên tòa bà Phan Thị Khít người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan cũng đưa ra ý kiến: Lối đi rộng 2m ra đường Võ Nguyên Giáp có từ trước năm 1990, do Nhà nước quy hoạch mở đường dân sinh cho khu tập thể thương nghiệp chứ không phải là đất của ông Đệ và bà Sinh. Vì vậy, đơn đồng khởi kiện của ông Đệ và bà Sinh là không hợp lệ.
Sau phần xét hỏi đối với bị đơn, người làm chứng và người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan có mặt trong phiên tòa xét xử, TAND TP. Điện Biên Phủ đã tiến hành Nghị án: Từ những tình tiết và những chứng cứ đã thu thập được vào trong hồ sơ vụ án, TAND TP. Điện Biên Phủ áp dụng các quy định tại khoản 7 Điều 25; điểm a, khoản 1, Điều 33; điểm a khoản 1 Điều 35; khoản 4 Điều 79 của Bộ luật tố tụng dân sự. Áp dụng các Điều 73, 79 Luật đất đai năm 1993 tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vũ Thế Đệ về việc đòi bà Chu Thị Thìn trả lại 31m2 đất (lối đi ra đường Võ Nguyên Giáp) tại tổ dân phố 5, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Và không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Sinh về việc đòi bà Chu Thị Thìn trả lại 9m2 đất (lối đi ra đường Võ Nguyên Giáp) tại tổ dân phố 5, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Việc đơn khởi kiện bị bác bỏ, áp dụng khoản 1 Điều 131 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 3 Điều 27 Pháp lện số 10/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội 12, về án phí, lệ phí Tòa án quyết định: Các nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Sinh và ông Vũ Thế Đệ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm mỗi người 200.000 đồng.
Như vậy, sau hơn 20 năm uẩn khúc, gần 7 năm theo kiện, cuối cùng TAND TP. Điện Biên Phủ cũng đã có 1 bản án “thấu tình, đạt lý”, mà lẽ ra không phải đợi đến bây giờ mới có. Việc TAND TP. Điện Biên Phủ đưa ra quyết định bác bỏ đơn khởi kiện của ông Đệ và bà Sinh đã thực sự cho thấy tận cùng của chân lý; lấy lại niềm tin nơi người dân vào sự điều hành và thực thi pháp luật của các cơ quan tố tụng địa phương.
Bài & ảnh: Văn Hà Thành