Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ khu vực tỉnh Điện Biên tỷ lê 1:50.000 là một sản phẩm của Đề án: Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ các vùng miền núi Việt Nam mới được Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố.
Theo đó, lớp bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ tỉnh Điện Biên được phân chia thành 5 cấp nguy cơ, tương ứng với 5 mức độ nhạy cảm với TLĐĐ khác nhau, gồm: Nguy cơ rất thấp (chưa xác định có TLĐĐ hoặc không xảy ra), chiếm 14,5% diện tích tự nhiên của tỉnh; nguy cơ thấp, chiếm 13%; nguy cơ trung bình, chiếm 13,5%; nguy cơ cao, chiếm 36% và nguy cơ rất cao, chiếm 23%.
Cũng theo kết quả phân vùng nguy cơ TLĐĐ phạm vi khu vực tỉnh Điện Biên, xác định có 6 huyện, thị có nguy cơ TLĐ Đ rất cao là các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà và T.X Mường Lay; 4 huyện xác định có nguy cơ TLĐĐ cao là: Mường Ảng, Tủa Chùa, Tuần Giáo và T.P Điện Biên Phủ.
Ngoài ra, trong tổng số 112 xã phường của tỉnh Điện Biên, xác định có 59 xã có nguy cơ TLĐĐ rất cao; 33 xã nguy cơ TLĐĐ cao và 20 xã có nguy cơ TLĐĐ trung bình, thấp và rất thấp.
Đối với từng mức độ cảnh báo về nguy cơ TLĐĐ đã có những cảnh báo riêng về bố trí sắp xếp dân cư và xây dựng các công trình. Đặc biệt, với 59 xã có nguy cơ TLĐĐ rất cao, được cảnh báo là không thể sinh sống được, cần di dời ngay dân cư và có biện pháp phòng tránh thỏa đáng đối với các công trình khác đang bị đe dọa. Các khu vực có nguy cơ TLĐĐ cao thì có thể sinh sống được nếu có biện pháp phòng tránh thỏa đáng, không xây dựng công trình mới. Các khu vực có nguy cơ TLĐĐ trung bình, có thể sinh sống và xây dựng các công trình mới được, nhưng cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại. Và đối với các khu vực nguy cơ TLĐĐ thấp, cần chú ý các giải pháp phòng tránh lâu dài.
Khi phân vùng cảnh báo khu vực có nguy cơ TLĐĐ với những mức độ khác nhau trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ là cơ sở khoa học để chính quyền địa phương quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo ổn định, bền vững; đồng thời đảm bảo cho nhân dân và chính quyền địa phương có thể lồng ghép các phương án chuẩn bị kế hoạch và biện pháp phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai TLĐ Đ gây ra.