Điện Biên: Nhiều vướng mắc trong di dân khỏi vùng thiên tai

Trần Sơn| 24/09/2020 14:57

(TN&MT) - Nằm trong số những tỉnh trong khu vực chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, như lũ quét, sạt lở đất. Những năm qua, công tác cảnh báo, di dân khỏi vùng thiên tai được tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, do khó khăn nhiều mặt nên dù rất cố gắng nhưng Điện Biên chưa thể di chuyển hết các gia đình nằm trong vùng nguy cơ sạt, trượt cao đến nơi an toàn.

Bản Huổi Điết, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà có hơn 30 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Được ngành chức năng cảnh báo từ nhiều năm nay, nhưng tới thời điểm này cũng mới có 19 hộ đồng ý di dời, hiện vẫn còn 13 hộ vẫn vẫn đang sống cách khu vực nguy cơ sạt lở chỉ 20 - 30m, chưa di dời đến nơi ở mới an toàn.

Ông Lù Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Tùng, huyện Mường Chà cho biết: Nhiều nguyên nhân khiến việc vận động 13 hộ dân di dời gặp khó khăn, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do những hộ dân này sinh sống theo từng cụm, phần lớn là anh, em họ hàng nên nếu phải di dời họ cũng yêu cầu được bố trí ở gần nhau. Tuy nhiên, bản đã hết quỹ đất, không thể bố trí cho các hộ dân tái định cư tại chỗ. Mặt khác, địa hình dốc, bị chia cắt mạnh nên việc bố trí quỹ đất của xã còn nhiều khó khăn. Bởi vậy đã qua mấy mùa mưa nhưng việc di dời chưa thể thực hiện. Trước mắt, xã vận động các hộ gia đình này mỗi khi có mưa to hoặc mưa kéo dài thì phải di dời đến các gia đình khác trong bản.

Những hộ dân bản Huổi Toóng 2, xã Huổi Lèng nằm ngay chân đồi có nguy cơ sạt lở đất cao, cần phải di dời.

Tương tự, tại xã Huổi Lèng, qua rà soát xã có 19 hộ dân bản Huổi Toóng 2 nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất nhưng đến nay chưa có hộ dân nào được di dời đến địa điểm an toàn. Anh Hồ A Chía, bản Huổi Toóng 2 chia sẻ: Ngôi nhà của gia đình tôi và 18 hộ khác trong bản đều nằm ở vị trí chân đồi. Khoảng 4 năm nay, khu vực này thường xảy ra sạt lở nhẹ, đất đá sạt xuống ít nên chưa ảnh hưởng đến hộ nào, về lâu dài tình trạng sạt lở có thể sẽ lớn hơn. Biết sinh song ở đây rất nguy hiểm nhưng hiện nay xã vẫn chưa bố trí được địa điểm để chúng tôi chuyển đi. Những hôm mưa to, để đảm bảo an toàn, gia đình tôi phải chuyển đến ở nhờ nhà người thân ở khu vực an toàn hơn.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, bên cạnh khó khăn về đất ở, nhiều người dân thuộc diện phải di dời chia sẻ: Hầu hết các ra đình thuộc diện phải di dời đều rất đồng thuận, sẵn sàng di dời ngay khi xã bố trí được địa điểm mới. Tuy nhiên, kinh phí Nhà nước hỗ trợ để người dân thực hiện di dời như hiện nay quá ít so với chi phí để ổn định tại nơi ở mới. Số tiền hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ không đủ để tháo dỡ, san gạt mặt bằng, dựng lại nhà khi di chuyển đến nơi ở mới... trong khi đa số hộ phải di chuyển là hộ nghèo.

Ðược biết, năm 2020 một trong 8 phương hướng, nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được huyện Mường Chà đề ra là: Kiên quyết di dời hoặc sơ tán những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, nhất là vùng ven sông, suối cạn, vùng có độ dốc lớn, vùng gần các công trình giao thông, công trình đang thi công và san ủi mặt bằng có địa chất không ổn định có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức hỗ trợ 1 hộ dân ở xã Huổi Lèng bị thiệt hại do sạt lở di dời đến nơi ở mới.

Gia đình ở huyện Mường Chà đã kịp thời di dời trước khi sảy ra sạt lở tại xã Huổi Lèng.

Mới đây nhất, ngày 27/8/2020, UBND huyện Mường Chà ra quyết định hỗ trợ di chuyển 6 hộ dân thuộc các xã Pa Ham, Nậm Nèn, Huổi Mí, Huổi Lèng, Sa Lông với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để người dân di dời đến khu vực an toàn. Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn khoảng hơn 90 hộ nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ, sạt lở đất, gồm: 9 hộ tại bản Ma Thì Hồ 2, Huổi Chua, Hồ Chim 2 (xã Ma Thì Hồ); 27 hộ tại bản Huổi Chá, Ðán Ðanh, Huổi Ðiết (xã Mường Tùng); 27 hộ tại thị trấn Mường Chà; 3 hộ thuộc xã Sa Lông; 4 hộ thuộc xã Mường Mươn; 3 hộ xã Na Sang và 19 hộ tại bản Huổi Toóng 2 (xã Huổi Lèng). Ðã bước sang những tháng cuối năm 2020, nhưng hầu hết các hộ dân này đều chưa được di dời; việc rà soát, thống kê các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai mới chỉ để phục vụ cho việc cảnh báo.

Việc thực hiện di dời người dân ra khỏi vùng thiên tai là nhiệm vụ cấp bách, bắt buộc nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản. Trong khi Mường Chà là 1 trong 6 huyện, thị xã của tỉnh được xác định là địa bàn có nguy cơ sạt lở đất đá cao, bởi vậy, công tác cảnh báo, di dân khỏi vùng thiên tai lại càng phải được quan tâm. Do đó, Điện Biên cần linh hoạt trong việc lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ di chuyển dân và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chủ động bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và hợp tác với chính quyền trong thực hiện tái định cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Nhiều vướng mắc trong di dân khỏi vùng thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO