(TN&MT) - Công tác đo đạc bản đồ và lập hồ sơ địa chính có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên với chủ yếu là nền kinh tế nông nghiệp. Để có những tài liệu bản đồ chính xác phục vụ cho mục tiêu quản lý, khai thác sử dụng đất đai, cần tiến hành đo đạc bản đồ địa chính chính quy trong toàn tỉnh. Song, trên thực tế, công tác đo đạc bản đồ trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn những khó khăn.
Công tác đo đạc bản đồ và lập hồ sơ địa chính có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên với chủ yếu là nền kinh tế nông nghiệp. Để có những tài liệu bản đồ chính xác phục vụ cho mục tiêu quản lý, khai thác sử dụng đất đai, cần tiến hành đo đạc bản đồ địa chính chính quy trong toàn tỉnh. Song, trên thực tế, công tác đo đạc bản đồ trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn những khó khăn.
Lĩnh vực đo đạc, lập bản đồ địa chính những năm qua đã có nhiều bước tiến tích cực, công tác quản lý Nhà nước được tăng cường, hoạt động đo đạc bản đồ đi vào nền nếp; kết quả của công tác đo đạc đã góp phần đẩy nhanh công tác giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ đắc lực cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và các ngành kinh tế, kỹ thuật của tỉnh Điện Biên.
Đến nay, toàn tỉnh Điện Biên đã xây dựng được 895 điểm địa chính, phủ trùm trên địa bàn các huyện Mường Nhé, Mường Ảng, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, thị xã Mường Lay và TP. Điện Biên Phủ để đưa vào sử dụng. Tính đến thời điểm ngày 31/12/2018, toàn tỉnh đã đo đạc thành lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính với tổng diện đo đạc là 346.258,75ha, gồm 571.511 thửa. Trong đó: Tỷ lệ 1/500 là 1.677,46ha; tỷ lệ 1/1.000 là 14.168,36 ha; tỷ lệ 1/2.000 là 52.491,48 ha; tỷ lệ 1/5.000 là 61.044,89 ha; tỷ lệ 1/10.000 là 216.876,56 ha.
Ông Phạm Tiến Thụy, Trưởng Phòng Đo đạc, Bản đồ và Viễn thám, Sở TN&MT Điện Biên cho biết: Việc thực hiện triển khai đo đạc thành lập bản đồ địa chính cung cấp nguồn tài liệu phục vụ trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai đặc biệt là cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã hoàn thành được việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính 9/9 xã, phường để đưa vào vận hành, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ (huyện điểm) và đang triển khai thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính huyện Tủa Chùa.
Bên cạnh những việc đã làm được, trong công tác đo đạc bản đồ địa chính và lập hồ sơ địa chính trong toàn tỉnh còn một số vấn đề cần được khắc phục. Công tác đo đạc thành lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh còn chậm, số xã, phường, thị trấn được đo đạc thành lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tính đến thời điểm hiện tại mới triển khai được 72/130 xã, phường, thị trấn. Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm so với kế hoạch do sự phối hợp giữa đơn vị thi công với địa phương chưa đạt hiệu quả cao, một số hộ gia đình đi làm ăn xa phải thông báo nhiều lần nhưng không đến để đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nguồn kinh phí cấp để thực hiện dư còn hạn chế phần lớn nguồn kinh phí thực hiện là do nguồn ngân sách Trung ương cấp; kinh phí đối ứng của địa phương ít do đặc thù tỉnh miền núi khó khăn.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh có một số tổ chức, cá nhân thực hiện công tác đo đạc bản đồ còn chưa tự giác chấp hành các quy định pháp luật; người dân tại địa bàn các xã, huyện trong tỉnh chủ yếu là đồng bào dân tộc, do đó, trình độ nhận thức về công tác đo đạc bản đồ địa chính chưa cao, dẫn đến công tác đo đạc diễn ra chậm và hiệu quả của công tác đo đạc lập bản đồ còn nhiều hạn chế...
Theo ông Phạm Tiến Thụy, để đẩy mạnh công tác đo đạc bản đồ, thời gian tới, Sở TN&MT Điện Biên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đo đạc thành lập bản đồ địa chính đối với các xã còn lại để phục vụ cho việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai qua nhiều hình thức như (thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình, giao lưu trực tuyến, internet…) cho đồng bào dân tộc ít người, để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, phải kịp thời phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương và nguồn kinh phí đối ứng của địa phương để triển khai thực hiện việc đo đạc thành lập bản đồ địa chính, kê khai đăng ký cấp Giấy chứng nhận.
Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã tạo thuận lợi cho công tác quản lý đất đai và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, tạo tính chủ động, linh hoạt đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu chung của tỉnh.