Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc sắc, truyền thống văn hóa, danh lam thắng cảnh của các địa phương. Chủ trương xây dựng đề án Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một quyết sách kịp thời, đúng đắn nhằm đáp ứng nhu cầu về phát triển làng nghề, sản phẩm đặc sản của nhiều địa phương trong cả nước.
Nghề mây tre đan tại xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ. |
Đối với tỉnh Điện Biên, với đặc điểm địa bàn miền núi, các huyện, thành phố, thị xã hiện có khá nhiều sản phẩm thế mạnh đặc trưng như: dệt thổ cẩm, mây tre đan… các vùng sản xuất chuyên canh: lúa, cà phê, chè, dứa… Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã có những bước tiến quan trọng, như: Một số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất rau, quả và nuôi thủy sản áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; xây dựng, phát triển các chuỗi sản xuất nông nghiệp an toàn... Ðây là điều kiện để các xã trên địa bàn xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nhằm khai thác có hiệu quả những điều kiện nói trên, tỉnh Điện Biên xác định, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Theo đó, trọng tâm của Chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, ngành nghề truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể (các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh…) thực hiện.
Sản phẩm gạo Tám Điện Biên. |
Các cấp chính quyền địa phương sẽ tăng cường hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ. Trong đó, trọng tâm của chương trình là nghiên cứu, phát triển hoàn thiện sản phẩm; xây dựng mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức sản xuất và xúc tiến thương mại.
Thực hiện mục tiêu đó, nhiệm vụ trước mắt là các xã cần điều tra, khảo sát, thu thập thông tin đầy đủ, chính xác các sản phẩm thế mạnh để quy hoạch hướng phát triển và xây dựng đề án triển khai thực hiện. Hiện nay, tỉnh Điện Biên đã xác định 6 nhóm sản phẩm chủ lực để thực hiện chương trình gồm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ và du lịch nông thôn. Trong 6 nhóm đó lựa chọn 21 sản phẩm chủ lực để phát triển, như: gạo, miến dong, dứa, vú sữa, khoai sọ, thịt khô, mật ong, bánh khẩu xén, cá, cà phê, chè, rượu, tảo xoắn…
Sản phẩm mật ong của Hợp tác xã Ong mật Điện Biên. |
Là địa phương còn nhiều khó khăn song huyện Điện Biên cũng đã chú trọng thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chúc sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của địa phương, có khả năng phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Trước mắt là tập trung phát triển sản phẩm “Gạo Điện Biên” và du lịch cộng đồng. Đồng thời triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP ở trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, huyện cũng định hướng cho mỗi xã xây dựng cho mình một sản phẩm mang tính chất thế mạnh của địa phương. Trước mắt trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, huyện Điện Biên đặt mục tiêu cố gắng phấn đấu được khoảng 50% số xã, thị trấn thì có doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác tham gia vào liên kết với người dân để xây dựng những sản phẩm có khả năng trở thành hàng hóa giá trị trên thị trường.
Năm 2019, UBND tỉnh Điện Biên đã lựa chọn xây dựng 11 sản phẩm đạt chuẩn theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” như: Rượu Mông Pê, chè Tủa Chùa, sản phẩm mây tre đan Nà Tấu, dệt thổ cẩm Na Sang, tảo xoắn ở Mường Ảng, cá nước lạnh, nhóm sản phẩm dược liệu... Ðề án thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh cũng xác định, tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2018 - 2020 khoảng 35,76 tỷ đồng; trong đó năm 2019 bố trí 10 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Xây dựng nông thôn mới.
Sản phẩm Chè Tuyết Shan, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. |
Thực tế tại tỉnh Điện Biên cho thấy, hiện nay muốn sản xuất nông nghiệp hiệu quả, phát triển nông thôn bền vững phải xây dựng những sản phẩm mang tính hàng hóa, có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ để tạo nên giá trị gia tăng của sản phẩm. Điển hình là một số mô hình sản xuất liên kết sản xuất đang có hiệu quả như: Mô hình cánh đồng lớn tại xã Thanh Yên, Thanh Hưng (huyện Điện Biên); mô hình sản xuất, chế biến chè Tuyết Shan cổ thụ tại huyện Tủa Chùa...
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở Điện Biên là đa số sản phẩm được sản xuất thủ công, nhiều sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu ở trong nước, một số sản phẩm xuất khẩu đi Trung Quốc, Lào. Số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm theo tiêu chí Chương trình còn thấp, chủ yếu ở hình thức cơ sở sản xuất kinh doanh...
Theo đồng chí Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, hướng vào khai thác những tiềm năng lớn về các sản phẩm nông nghiệp, thủ công, thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây con chủ lực, củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp, sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu, tạo cho các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân…
Triển vọng thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở Điện Biên là tương đối lớn. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực của người dân, kết quả thực hiện Chương trình sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.