Điện Biên: Hiệu quả “kép” từ bảo vệ rừng

Trần Sơn| 13/08/2020 11:00

(TN&MT) - Những năm gần đây, nhờ có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên không ngừng được nâng lên. Rừng được bảo vệ, nhiều mô hình sinh kế gắn với rừng bước đầu đã mang lại hiệu quả về kinh tế, tăng thu nhập và đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Chính sách chi trả DVMTR không chỉ giúp người dân huyện Mường Nhé (Điện Biên) nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước thay đổi nhận thức của nhân dân về vai trò và tác dụng của rừng với cuộc sống con người, hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang góp phần hồi sinh những cánh rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Nhé cho biết: Huyện Mường Nhé hiện có 76 cộng đồng có rừng được hưởng chính sách chi trả DVMTR. Diện tích có rừng của huyện Mường Nhé 74.056,99ha, năm 2019, huyện Mườn Nhé được chi trả hơn 7 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã làm thay đổi nhận thức, hành động trong công tác bảo vệ rừng của người dân các xã trong huyện. Nhiều cộng đồng nhận khoán quản đã xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Qua đó đã góp phần làm giảm thiểu số vụ xâm phạm rừng, phá hoại rừng và cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép.

Người dân bản Nậm Khăn, xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) chăm sóc cây sa nhân dưới tán rừng.

Bên cạnh thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, từ năm 2013, Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé triển khai dự án phát triển sinh kế dưới tán rừng tại 5 xã vùng đệm của khu bảo tồn, gôm: Mường Nhé, Chung Chải, Sen Thượng, Leng Su Sín và Sín Thầu. Thực hiện dự án, xã Sín Thầu được hỗ trợ giống cây sa nhân tím, trồng trên diện tích 1ha dưới tán rừng. Thời điểm triển khai dự án, người dân xã Sín Thầu chưa hiểu rõ giá trị kinh tế của giống cây sa nhân nên nhiều hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng dự án từ chối tham gia.

Nguyên là lãnh đạo xã đã nghỉ hưu và là người có uy tín ở địa phương, ông Pờ Dần Sinh, bản Tả Kố Khừ đã nhận làm mô hình điểm trồng 1ha cây sa nhân dưới tán rừng. Sau 3 năm kiến thiết, đến năm 2016, diện tích sa nhân của gia đình ông Sinh bắt đầu cho thu quả, vụ đầu bán được khoảng 40 triệu đồng. Ông Pờ Dần Sinh chia sẻ: Cây sa nhân tím dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao, cây trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch. Sau đó, rễ cây lan tới đâu thì diện tích sa nhân được mở rộng tới đó, nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong thời gian 10 - 12 năm.

Ngoài hiệu quả kinh tế, sa nhân trồng dưới tán rừng ao độ ẩm cao, do đó hạn chế tình trạng cháy rừng trong mùa khô. Việc tận dụng trồng xen các loại cây dưới tán rừng còn hạn chế được tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.

Từ năm 2016 đến nay, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình điểm của gia đình ông Sinh, người dân xã Sín Thầu đã bắt đầu tìm mua giống cây sa nhân về trồng dưới tán rừng. Nguồn vốn đầu tư của nhà nước từ các chương trình, dự án phát triển sinh kế, xã Sín Thầu đã triển khai hỗ trợ giống cây sa nhân cho người dân trồng, đến nay toàn xã đã có gần 50ha cây sa nhân, trong đó có khoảng 30ha cho thu hoạch. Riêng gia đình ông Sinh hiện có trên 2ha sa nhân đã cho thu hoạch.

Bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu cho biết: Sau gần 5 năm triển khai trồng cây sa nhân dưới tán rừng, các mô hình sinh kế đã bước đầu mang lại “hiệu quả kép” vừa mang lại giá trị kinh tế đồng thời bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Hiện nay, xã Sín Thầu phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé tiếp tục vận động người dân phát triển cây sa nhân dưới tán rừng. Các dự án hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình 30a, 135Cp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… người dân đều đăng ký trồng cây sa nhân, do đó dự kiến thời gian tới diện tích sa nhân của xã sẽ tiếp tục được mở rộng.

Người dân bản Mý Làng B, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) nhận cây giống sa nhân tím về trồng dưới tán rừng.

Không chỉ huyện Mường Nhé, các huyện: Nậm Pồ, Mường Chà, Ðiện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa cũng đang tập trung triển khai các dự án, vận động người dân trồng sa nhân dưới tán rừng để thực hiện mục tiêu kép vừa giảm nghèo bền vững và bảo vệ rừng.

Năm 2019, huyện Tủa Chùa triển khai dự án liên kết giữa Công ty TNHH Giống lâm nghiệp Tây Bắc tỉnh Ðiện Biên với 99 hộ dân thuộc 3 xã: Tủa Thàng, Mường Ðun, Tả Phìn trồng 16,9ha cây sa nhân xanh dưới tán rừng. Sau hơn 1 năm trồng, theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, cây sa nhân sinh trưởng và phát triển tốt, đạt tỷ lệ sống 70 - 80%; kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng truyền thống, giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Người dân bản Ten Hon, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo chăm sóc cây thảo quả dưới tán rừng.

Ngoài trồng sa nhân, tại một số xã trên địa bàn huyện Tuần Giáo, tận dụng diện tích dưới tán rừng người dân cũng đang trồng thảo quả. Tênh Phông là xã có diện tích thảo quả lớn nhất huyện. Xã Tênh Phông có diện tích rừng khá lớn, chủ yếu là rừng già tự nhiên, nhiều khe suối, độ ẩm lớn nên rất phù hợp cho cây thảo quả phát triển. Vì vậy chính quyền xã khuyến khích người dân trồng cây thảo quả vừa tăng thu nhập vừa gắn với việc quản lý, bảo vệ rừng.

Gia đình ông Mùa Dúa Vàng, bản Ten Hon, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) thu hoạch thảo quả.

Gần 25 năm trước, thảo quả được một số người dân trong xã đưa từ Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) về trồng trên nương, sau thấy cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế bà con tập trung trồng đại trà nên diện tích tăng nhanh chóng, từ 15ha (năm 2005) đến nay toàn xã có 83,5ha thảo quả đã cho thu hoạch. Diện tích thảo quả trồng nhiều tại các bản: Ten Hon, Xá Tự, Há Dùa. Những năm gần đây, thảo quả được giá, được mùa mang lại thu nhập khá cho người dân xã Tênh Phông. Hộ nào ít, thu nhập 10 triệu đồng/năm; còn hộ trồng với diện tích lớn mỗi năm thu khoảng 50 - 60 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Hiệu quả “kép” từ bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO