Điện Biên Đông: Phát triển rừng nhờ chính sách

Phạm Huế - Hoàng Châu| 27/10/2021 10:03

(TN&MT) - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã và đang ngày càng khẳng định hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh việc tạo lập cơ sở kinh tế bền vững cho các chủ rừng yên tâm bảo vệ rừng, chính sách này ngày càng khẳng định là một nguồn lực quan trọng để bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Với mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, ngay từ đầu năm, huyện Điện Biên Đông đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, thực hiện các biện pháp cấp bách về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, cho người dân về việc bảo vệ và phát triển rừng.

Ông Nguyễn Duy Thành, Phó Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Điện Biên Đông, cho biết: Hiện nay, huyện Ðiện Biên Ðông có trên 30.800 ha rừng nằm trong quy hoạch và 660 ha ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, nhất là hành vi phá rừng trái pháp luật, huyện Điện Biên Đông tiến hành kiểm tra, giám sát các đơn vị chủ rừng thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ rừng được quy định tại Luật Lâm nghiệp, đề cao trách nhiệm cấp ủy, chính quyền địa phương và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Thời gian qua, hạt kiểm lâm huyện Điện Biên Đông đã phối hợp với chính quyền địa phương, các chủ rừng, tăng cường tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng; tu sửa và xây mới các bảng tin tuyên truyền về bảo vệ rừng, cắm biển cấm lửa, biển khu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Chính sách chi trả DVMTR đã và đang khẳng định hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Năm 2020, diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) của huyện Điện Biên Đông là 30.204,345 ha với số tiền được chi trả là 8.428.228.078 đồng. Nhờ thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR nên thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Ðiện Biên Đông cơ bản đảm bảo, giữ vững diện tích rừng hiện có. Đến nay toàn bộ diện tích rừng tự nhiên và rừng sản xuất huyện đã giao cho cộng đồng dân cư và hộ dân quản lý, bảo vệ. Nhờ chính sách chi trả DVMTR, ý thức bảo vệ rừng của người dân được thụ hưởng đã có những chuyển biến tích cực. Qua đó, gắn được trách nhiệm và lợi ích của người dân đối với rừng, từ đó có những biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại rừng.

Tại những khu vực được hưởng chính sách chi trả DVMTR, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ rừng, các bộ phận nhận khoán bảo vệ rừng với chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Thời gian tới, Hạt sẽ tiếp tục phối hợp cùng Quỹ tăng cường tuyên truyền đến người dân chính sách chi trả DVMTR để công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao hơn.

Người dân xã Phinh Giàng, chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng 

Phình Giàng là một trong những xã có diện tích rừng lớn nhất của huyện Điện Biên Đông với 2.700ha rừng, gồm 1.100ha rừng phòng hộ còn lại là rừng khoanh nuôi tái sinh. Đa số diện tích rừng của xã nằm đan xen với diện tích canh tác nương của người dân. Để bảo vệ và phát triển tốt diện tích rừng hiện có, thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm huyện đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền xã tổ chức các buổi họp dân, tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời tổ chức ký cam kết với các hộ, nhóm hộ về công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng; đưa các nội dung quy định quản lý, bảo vệ rừng vào quy ước, hương ước của thôn, bản.

Chính sách chi trả DVMTR đã làm thay đổi nhận thức của bà con về bảo vệ rừng trên địa bàn xã. Từ đó, diện tích rừng phòng hộ, rừng khoanh nuôi tái sinh của xã Phình Giàng luôn được bảo vệ và phát triển tốt; tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng làm nương đã giảm rõ rệt; đồng bào dân tộc trong xã đã coi rừng là nguồn sống cần đươc bảo vệ và phát triển. Đồng thời, giúp bà con tăng thêm nguồn thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng, qua đó tạo động lực để bà con gắn bó, bảo vệ rừng, qua đó nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ diện tích rừng tái sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên Đông: Phát triển rừng nhờ chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO