Sự cố vỡ ao xử lý nước thải của Nhà máy chế biến tinh bột sắn - Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp được xác định diễn ra trong hai ngày 14 và 15/1 vừa qua. Sự cố nghiêm trọng này đã khiến hàng chục km suối bị ô nhiễm nghiêm trọng, thủy sinh chết nổi trắng, dạt vào 2 bên bờ. Ngay khi nắm được thông tin về sự cố, trong buổi trưa ngày 15/1, Ban quản lý Dự án nuôi trồng thủy sản và bảo vệ lòng hồ Thủy điện Nậm Núa đã cử cán bộ lấy mẫu nước suối và xin ý kiến ban giám đốc di chuyển khẩn cấp hệ thống bè nuôi cá lồng thí điểm của đơn vị, xuôi về phía hạ lưu lòng hồ thủy điện do lo ngại những tác động xấu của chất độc có thể đã bị hòaa vào dòng nước.
Anh Nguyễn Văn Thống, Trưởng Ban quản lý Dự án nuôi trồng thủy sản và bảo vệ lòng hồ Thủy điện Nậm Núa cho biết, hệ thống lồng và cá này có trị giá gần 1 tỷ đồng, đang được Công ty cổ phần đầu tư tài nguyên và năng lượng Điện Biên thí điểm trên lòng hồ Thủy điện Nậm Núa, nhằm tạo tiền đề, kinh nghiệm cho người dân trong khu vực phát triển nghề nuôi trồng thủy sản sau khi Thủy điện Nậm Núa tích nước. Bởi vậy khi nắm được thông tin chúng tôi cũng xin ý kiến Ban giám đốc công ty được kéo lồng cá về vị trí an toàn. Vị trí ban đầu thí điểm ở khu vực đấy cách vị trí mà chúng tôi kéo đến là khoảng 3,5km. Đến vị trí này cũng thực sự chưa được an tâm lắm, bởi vì chất lượng nguồn nước đến bây giờ các cơ quan chức năng cũng chưa công bố về tỷ lệ phần trăm về ô nhiễm như thế nào. Khi kéo về đây thì con cá của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng, ăn chậm và cũng không được nhanh nhẹn như trước.
Mặc dù vị trí di chuyển các hệ thống lồng cá mới cách vị trí cũ gần 3,5km, tuy nhiên theo các các bộ kỹ thuật kiểm tra thường trực tại các lồng cá của dự án này cho biết đã xuất hiện tình trạng cá Diêu Hồng chết chưa rõ nguyên nhân và một số lồng cá chép, cá diêu hồng cũng đã xuất hiện tình trạng ăn kém, giảm vận động so với thời điểm trước đó 1 ngày.
Anh Nguyễn Thắng Trường, cán bộ phòng kỹ thuật, Ban quản lý Dự án nuôi trồng thủy sản và bảo vệ lòng hồ Thủy điện Nậm Núa cho biết: Từ khi kéo về đây hiện tượng cá ở một số lồng sức ăn giảm đi so với tại vị trí ban đầu. Giảm mất khoảng 2 đến 3 lồng là cá ăn kém đi. Chúng tôi cũng đang theo dõi tiếp xem 1, 2 ngày tới xem lượng cá ăn lại có ổn định hay không.
Theo ý kiến của một số chuyên gia đánh giá, việc xây dựng nhà máy sản xuất tinh bột sắn nếu không xây dựng, xử lý tốt hệ thống nước thải sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường. Axit hữu cơ Xyanuahydric (HCN) là độc tố có trong vỏ sắn, sau khi đào, dưới tác dụng của Enzym Xyanoaza hoặc tác động của môi trường axit thì Phazeolutanin phân hủy tạo thành Glucoza, Axeton và Axit Xyanuahydric. Axit này gây độc toàn thân cho người, Xyanua ở dạng lỏng trong dung dịch là chất linh hoạt khi vào cơ thể kết hợp với Enzym trong Xitocchrom làm ức chế khả năng cung cấp oxy cho hồng cầu. Do đó tình trạng cá chết hàng tại Điện Biên phần nào đã có thể nói là do bị đầu độc bởi nước thải chưa được xử lý đã xả thẳng ra môi trường. Khi nước thải chưa qua xử lý, xả thẳng ra môi trường, những độc tố sau khi chế biến tinh bột như: Axit Xyanuahydric, Xyanua sẽ gây độc tố cho thủy sản cả vùng hạ du của suối Nậm Núa, gây nên tình trạng cá chết hàng loạt.