Nếu Điện Biên không sớm có phương án mở rộng thêm thì sau năm 2022 Điện Biên, nghĩa trang nhân dân C1 sẽ không còn đất để địa táng.
Theo ông Quàng Văn Pâng, Chủ tịch UBND xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, cho biết: Nghĩa trang nhân dân C1, xã Thanh Luông là nghĩa trang tự phát từ những thập niên 60, thuộc Nông trường quốc doanh. Năm 1997, Nông trường giải thể, nghĩa trang nhân dân C1 được sáp nhập về xã Thanh Luông, diện tích khi ấy khoảng 1,7ha.
Năm 2011, sau khi nghĩa trang nhân dân bản Khá đóng cửa vì quá tải. Nghĩa trang C1, Thanh Luông trở thành nơi phải đón nhận hầu hết các phần mộ cải táng và chôn mới của toàn bộ khu vực lòng chảo Điện Biên thuộc địa phận TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.
Nghĩa trang nhân dân C1, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên tổng diện tích gần 4ha, hiện nay đang quá tải, nếu tỉnh Điện Biên không có kế hoạch mở rộng thì chỉ sau 1,2 năm nữa nghĩa trang này sẽ không còn đất để địa táng. |
Năm 2013, nghĩa trang C1 xã Thanh Luông đã phải từ chối một số ngôi mộ cải táng chuyển từ nơi khác về vì diện tích đất còn rất ít, chỉ nhận và ưu tiên các mộ chôn mới, chôn một lần. Thời điểm này, UBND tỉnh Điện Biên cũng đã cho khảo sát mở rộng diện tích khoảng 50ha, từ nhà chờ trước cửa nghĩa trang kéo dài qua đồi Yên Ngựa và đi qua nhà hộ ông Nông Văn Thèn. Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì mà dự án bất khả thi, sau chỉ mở rộng thêm ra được khoảng 1,2ha.
Mới đây, nghĩa trang nhân dân C1, xã Thanh Luông phải nhận thêm gần 1.000 ngôi mộ được chuyển từ nghĩa trang Cộng Hòa, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên do khu vực này giải phóng mặt bằng để phục vụ cho Dự án Nâng cấp, mở rộng Càng hàng không Điện Biên. Chính vì vậy, nghĩa trang nhân dân C1, xã Thanh Luông hiện nay trật cứng mộ phần.
Ông Pâng, cho biết thêm: Diện tích đất hiện nay trong khuôn viễn nghĩa trang nhân dân C1, xã Thanh luông chỉ còn đủ sức chứa khoảng 500 ngôi mộ nữa là hết. Trong khi mỗi năm nghĩa trang này phải nhận bình quân khoảng 200 ngôi mộ cả mộ chôn mới và mộ cải táng từ nơi khác chuyển về có cả mộ chờ, đặc biệt đối với các hộ có cha hoặc mẹ một người đã mất, một người còn sống. Những trường hợp như thế này rất nhiều và diễn ra phổ biến; với mong muốn phần mộ của những người thân được gần sát, vừa tiện bề chăm sóc, vừa như thể là đoàn tụ tránh thất lạc. Đây cũng là mong muốn chính đáng của người dân nên chúng tôi không gây khó khăn gì. Trong tương lai không xa, nếu tỉnh không quy hoạch mở rộng thì chỉ 1,2 năm nữa là người chết sẽ không còn chỗ để chôn. – Ông Pâng nói.
Đây là vị trí đất nghĩ trang C1, xã Thanh Luông được mở rộng thêm năm 2015 diện tích là 1,2ha đến nay đã chật cứng các phần mộ |
Được biết, trước đó ngày 20/5/2021, UBND xã Thanh Luông đã tổ chức họp mở rộng xét đề nghị, mở rộng đất ở, đất chuyên dùng của xã và đề nghị mở rộng toàn bộ nghĩa trang nhân dân trên địa bàn toàn xã, tổng diện tích là 7,2ha. Trong đó, nghĩa trang nhân dân C1 là 4,6ha; nghĩa trang nhân dân khu đội 13 là 2,5ha; bản Lọong Tóng là 0,3ha.
Trong tổng diện tích 4,6 xã Thanh Luông đề nghị huyện Điện Biên cho điều chỉnh quy hoạch diện tích đất nghĩa trang C1 chủ yếu là đất đồi và đất lúa 1 vụ của người dân. Trong đó, có 2 hộ bố con ông Nông Văn Thèn nằm trọng vùng đất dự kiến quy hoạch nghĩa trang nhân dân C1.
Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện quy hoạch nghĩa trang nhân dân C1, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Sở Xây dựng, tỉnh Điện Biên, cho biết: Năm 2015, tỉnh đã cho chủ trương mở rộng diện tích nghĩa trang nhân dân C1, xã Thanh Luông và kêu gọi một số doanh nghiệp tham gia vào việc đầu tư mơ rộng, đồng thời quy hoạch nghĩa trang nhằm đạt được mục tiêu sử dụng đất tiết kiệm, đảm bảo vệ sinh môi trường, thỏa mãn nhu cầu về việc an táng của nhân dân và giữ được những phong tục tập quán tốt, văn minh, hiện đại; diện tích gần 50ha, dã được khảo sát và cắm mốc.
Nghĩa trang này vữa được bổ sung thêm gần 1.000 ngôi mộ được di chuyển từ nghĩa trang Cộng Hòa về chôn cất tại đây |
Tuy nhiên, đến nay thì vẫn chưa có nhà đầu tư nào tham gia vì một số vấn đề còn vướng mắc trong chính sách và trong cách làm. Song, về góc nhìn của nhà quản lý quy hoạch về lâu về dài thì theo Điện Biên rất cần một khu nghĩa trang nhân dân được thiết kế, quy hoạch một cách bài bản, để đảm bảo việc sử dụng đất nghĩa trang hiệu quả, tiết kiệm, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường và phù hợp với phong tục, tập quán tốt của địa phương.
Song song với đó là việc bổ sung quy định việc chuyển mục đích sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa đã được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất cho các tổ chức tư nhân xây dựng nghĩa trang, ngoại trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất phục vụ cho các mục đích an ninh quốc phòng, công cộng theo quy định pháp luật. Đồng thời, tạo cơ chế thực thi nghiêm pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng đất làm nghĩa trang. Ban hành khung giá một số dịch vụ cơ bản tại các nghĩa trang để làm cơ sở cho các nghĩa trang xây dựng giá dịch vụ, tránh tình trạng thu phí dịch vụ quá cao.
Cùng với đó là xây dựng hệ thống đăng ký mộ, tiến hành cấp thẻ mộ cho thân nhân của người chết táng tại tất cả các nghĩa trang để đảm bảo quyền của các gia đình trong thời gian táng người thân cũng như khi Nhà nước thu hồi đất (tránh trường hợp mộ giả), phục vụ công tác quản lý, thống kê. Đóng cửa các khu nghĩa trang, nghĩa địa hết khả năng táng nhưng vẫn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, ban hành quy mô diện tích tối thiểu của một nghĩa trang làm cơ sở cho việc di rời các nghĩa trang, nghĩa địa nhỏ lẻ, các mộ chí rải rác vào các nghĩa trang tập trung và nên sử dụng công cụ tài chính (thông qua hệ thống thuế) để điều tiết thị trường quyền sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa, góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo công bằng trong sử dụng đất, hướng người dân đến việc lựa chọn và sử dụng những phương thức táng mới văn minh, hiện đại, chi phí thấp và tiết kiệm đất.