Điện Biên: Các chủ rừng sử dụng hiệu quả nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng

Hoàng Châu| 28/07/2021 16:43

(TN&MT) - Thời gian qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã đem lại hiệu quả tích cực trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Nhờ chính sách này, người dân có thêm nguồn vốn đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Ông Nguyễn Đình Cương, Quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, huyện Mường Nhé cho biết: Những năm qua, huyện Mường Nhé không còn hiện tượng lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy, nạn tàn phá, khai thác gỗ rừng trái phép giảm đáng kể, đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số, đã được nâng lên, dân làng ra sức bảo vệ rừng, để được hưởng lợi nhiều nhất từ rừng. Đó là những gì mà chính sách chi trả DVMTR đã và đang mang lại cho người dân sinh sống trên địa bàn.

Huyện Mường Nhé nhận được tổng số tiền chi trả DVMTR năm 2020 là hơn 60 tỷ đồng. Số tiền được chi trả từ dịch vụ môi trường rừng, ngoài việc tái đầu tư để phát triển kinh tế, người dân trong bản cũng đã trích mua những dụng cụ, phục vụ bảo vệ rừng và phát triển những mô hình sinh kế gắn với rừng.

Mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng của người dân bản Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên

Cùng với đó, chi trả DVMTR không chỉ giúp người dân huyện Mường Nhé nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng, mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước thay đổi nhận thức của nhân dân về vai trò và tác dụng của rừng với cuộc sống con người, hiệu quả từ chính sách chi trả DVMTR đang góp phần hồi sinh những cánh rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng và cải thiện môi trường sống

Anh Pờ O Hừ, bản Sín Thầu, xã Sín Thầu cho biết: Từ nguồn kinh phí này, nhiều hộ gia đình trong bản đã sử dụng cho việc mua các máy móc nông cụ phục vụ sản xuất; mua thêm các dụng cụ phục vụ công tác bảo vệ rừng, mua sắm vật dụng phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Nhờ chính sách chi trả DVMTR bà con trong bản có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế. Cùng với đó, người dân cũng hiểu việc bảo vệ rừng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nên nhiều năm nay trên địa bàn xã Thín Sầu không còn xảy ra tình trạng người dân vào rừng khai thác lâm sản, chặt phá rừng bừa bãi.

Những năm qua, sau khi người dân được nhận tiền, bà con đã biết tái đầu tư phát triển kinh tế; trong đó, chú trọng phát triển chăn nuôi và trồng trọt để nâng cao thu nhập. Nhờ đó mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã không ngừng được cải thiện

Người dân xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo chăm sóc cây thảo quả dưới tán rừng

Ông Pờ Dần Sinh, bản Tả Kố Khừ đã trồng hơn 1ha cây sa nhân dưới tán rừng. Hiên nay diện tích sa nhân của gia đình ông Sinh đã cho thu hoạch, vụ đầu bán được khoảng hơn 40 triệu đồng. Ông Sinh chia sẻ: Cây sa nhân tím dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao, cây trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch. Sau đó, rễ cây lan tới đâu thì diện tích sa nhân được mở rộng tới đó, nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong thời gian 10 - 12 năm.

Không chỉ huyện Mường Nhé, các huyện: Nậm Pồ, Mường Chà, Ðiện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa cũng đang tập trung triển khai các dự án, vận động người dân trồng sa nhân dưới tán rừng để thực hiện mục tiêu kép vừa giảm nghèo bền vững và bảo vệ rừng. Ngoài trồng sa nhân, tại một số xã trên địa bàn huyện Tuần Giáo, tận dụng diện tích dưới tán rừng người dân cũng đang trồng thảo quả. Tênh Phông là xã có diện tích thảo quả lớn nhất huyện. Xã Tênh Phông có diện tích rừng khá lớn, nhiều khe suối, độ ẩm lớn nên rất phù hợp cho cây thảo quả phát triển. Vì vậy chính quyền xã khuyến khích người dân trồng cây thảo quả vừa tăng thu nhập vừa gắn với việc quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Mùa Dúa Vàng, bản Ten Hon, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên thu hoạch thảo quả

Có thể khẳng định, chính sách chi trả DVMTR, là nguồn tài chính ổn định, bền vững, góp phần quan trọng, trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, từng bước tạo lập sinh kế cho người dân sống được bằng nghề rừng, làm thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, có ý thức bảo vệ rừng và có trách nhiệm để giữ màu xanh cho những cánh rừng.
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Các chủ rừng sử dụng hiệu quả nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO