Điện Biên: Bất cập trong việc thẩm định giá cát và chất lượng cát bê tông

Trần Hương | 12/04/2022 19:21

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xảy ra một thực trạng. Một số mỏ khoáng sản trữ lượng nhỏ, công suất sản xuất thấp… nhưng có đến 5, 6 huyện tập trung thẩm định giá vật liệu xây dựng ở tại các điểm mỏ kể trên. Đây là điểm bất cập của địa phương. Trong khi đó khối lượng và cả chất lượng vật liệu xây dựng đều không đáp ứng được yêu cầu để đưa vào sử dụng trong công trình. Điều này khiến dư luận quan tâm.

Mỏ cát Mường Tùng (xã Mường Tùng, huyện Mường Chà) được UBND tỉnh Điện Biên cấp phép cho Công ty TNHH số 32 tỉnh Điện Biên khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường, với trữ lượng khai thác 23.126m3. Công suất khai thác 4.000m3/năm, chia bình quân cho 12 tháng, nhân lên với 30 ngày. Ước tính sơ bộ, 10m3/ngày và khoảng 300m3/tháng.

Trong khi đó, tại 5 huyện mà các đơn vị thẩm định giá cát trong dự toán xây dựng, mỏ cát Mường Tùng phải đạt công suất tối thiểu trên 1.000m3/ngày mới đủ đáp ứng nhu cầu cát, phục vụ các công trình nhà nước tại 5 huyện Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Lay và Tủa Chùa. Với công suất khai thác tại mỏ cát Mường Tùng như hiện nay chỉ đáp ứng được 1 phần rất nhỏ so với nhu cầu cát tại 5 huyện kể trên.

hoat-dong-khai-thac-cat-trai-phep-o-muong-phang.jpg
Một điểm khai thác cát trái phép nhỏ lẻ  tại xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ. Ảnh chụp tháng 10/2021, (ảnh mang tính minh họa). 

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên, cho biết: Trong nguyên tắc thẩm định giá vật liệu xây dựng, chỗ nào rẻ nhất, cự ly gần nhất, đảm bảo chất lượng thì lấy, để giảm chi phí vận chuyển… báo giá của Sở Xây dựng đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo, còn việc lấy cát ở đó hay không là do đơn vị chủ đầu tư quyết định.

Theo ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình huyện Nậm Pồ, cho biết: Hiện nay, trên địa hàn huyện Nậm Pồ có khoảng 6 dự án đang triển khai, tổng mức khoảng 300 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu sử dụng cát của các dự án tại Nậm Pồ là rất lớn. Trong khi cát Mường Tùng có nhiều phù sa, nếu đưa vào đổ bê tông sẽ không đảm bảo được chất lượng công trình.

Cụ thể, Công trình Kè suối Nậm Pồ, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) được phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư, số 1052/QĐ-UBND, ngày 30/7/2021 của UBND huyện Nậm Pồ, hiện đang thi công; có tổng mức trên 39 tỷ đồng, do Ban Quản lý các công trình huyện Nậm Pồ làm chủ đầu tư. Công trình có khoảng 7.490m3 bê tông, tương đương với đó là 4.170m3 cát.

Cũng tại một địa phương khác liền kề là Công trình Kè suối Nậm Mươn, thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên có tổng mức đầu tư 58 tỷ đồng, được phê duyệt theo Quyết định chủ trương đầu tư, số 1300/QĐ-UBND, ngày 08/12/2020 của UBND tỉnh Điện Biên; hiện đang thi công. Theo thiết kế kỹ thuật của dự án này, khối lượng bê tông được xác định 9.656m3, tương ứng với đó là 5.271m3 cát.

Riêng chỉ tạm tính sơ bộ 2 công trình nêu trên của huyện Nậm Pồ và huyện Mường Chà thì nhu cầu sử dụng cát trên 10.000m3. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát tại 5 huyện Mường Chà, Mường Lay, Nậm Pồ, Mường Nhé và Tủa Chùa là rất lớn, khoảng gần triệu khối/năm.

Thực tế, mỏ cát Mường Tùng, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà không đủ khối lượng và chất lượng để các đơn vị thi công đưa vào công trình. Đây là vấn đề bất cập trong công tác quản lý nhà nước của các đơn vị thẩm định và của cả chủ đầu tư.

... "Như vậy, khác nào người ta quyết định mua một sản phẩm mà nhà sản xuất không có để bán; mua thứ mà người ta không sử dụng được. Vậy thì quyết định mua để làm gì, nhằm mục đích gì? Hay chỉ vì sản phẩm được chào giá nên cứ  quyết định thế còn việc có hay không không quan trọng? Vậy trong chuyện này, người bán sai hay người quyết định lập dự toán để mua sai?.." Ông Lò Văn Bình, Giám đốc Công ty Mường Phăng, nhận định và cho biết: “Rất nhiều năm nay chúng tôi chuyển hướng kinh doanh không làm xây dựng nữa, vì biết làm sẽ lỗ. Nhưng nhìn chung với giá cát, giá vật liệu xây dựng tăng như hiện nay; cách thẩm định giá vật liệu xây dựng của phía các chủ đầu tư tỉnh Điện Biên thì các doanh nghiệp xây dựng có nguy cơ phá sản..."

Tuy nhiên đó cũng chưa phải là mấu chốt của vấn đề… Câu hỏi dư luận đặt ra, vậy lấy cát ở đâu để có thể phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình nhà nước tại 5 huyện này? Chưa kể nhu cầu của các hộ dân.

Trong khi đó, các đơn vị chủ đầu tư, đơn vị thẩm định gói thầu là các phòng Kinh tế - Hạ tầng (đối với công trình cấp huyện làm chủ đầu tư), Sở Xây dựng (đối với công trình cấp tỉnh làm chủ đầu tư) đã thực sự công tâm trong việc lấy giá cát tại một điểm mỏ là mỏ cát Mường Tùng trữ lượng không đủ phục vụ cho một loạt các công trình của cả 5 huyện kể trên hay không? Chưa kể đến, chất lượng cát tại điểm mỏ Mường Tùng được đánh giá không đủ tiêu chuẩn để đưa vào làm vật liệu cát bê tông…? Ai là người thẩm định chất lượng cát Mường Tùng?

Chắc chắn sẽ phải có ai đó trả lời mọi nghi vấn trên trước công luận.

Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin vấn đề này

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Bất cập trong việc thẩm định giá cát và chất lượng cát bê tông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO