(TN&MT) - Cách đây hơn 3 năm, UBND TP. Điện Biên Phủ ban hành quyết định số 243/QĐ-UBND ngày 7/4/2011 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 12 và xây dựng điểm tái định cư tại phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB và chi phí tổ chức thực hiện là hơn 4.5 tỉ đồng. Mặc dù mặt bằng đã được giải phóng xong nhưng cho đến nay, việc bố trí đất tái định cư cho 22 hộ gia đình thuộc dự án này vẫn bế tắc bởi sự thiếu quyết liệt và đồng bộ của UBND tỉnh Điện Biên cùng các sở, phòng, ban trên địa bàn tỉnh.
Những ngôi nhà đã bị đập bỏ để phục vụ dự án nhưng đất tái định cư thì... tít tắp mù khơi
Chính quyền làm khó dân
Tiếp chúng tôi trong căn nhà bạt dựng tạm chênh vênh ven suối, đại diện cho hơn chục hộ gia đình trót "nhanh tay phá nhà phục vụ dự án". Vợ chồng anh Đỗ Đức Vang và chị Lê Thị Thoa, trú tại tổ 4, khu phố 10, phường Thanh Trường cho biết: Các nhà ở đây từ những năm 1993 trở về trước, đến tháng 4/2011 khi nhà nước bảo chúng tôi ra phường lấy tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để bàn giao mặt bằng phục vụ dự án, các hộ gia đình chấp hành nghiêm chỉnh các quy định thành phố ban hành. Đến nay đã hơn 3 năm, nhà thì chúng tôi đã phá đi nhưng đất tái định cư để xây nhà mới lại không có, buộc lòng hai vợ chồng phải dựng cái nhà tạm thế này. Các cháu nhà tôi được nghỉ hè mà không dám về vì nhà vừa chật lại nóng, sợ nhất những hôm trời mưa to, gió mạnh cả hai vợ chồng phải chạy ra đứng ngoài hiên vì sợ cái "lều bạt" này bị đổ xuống suối. Chính vì vậy, mặc dù có nghề nấu rượu 20 năm nay nhưng từ khi mất nhà chúng tôi phải bỏ, không làm ăn được gì. Hết phường cho đến thành phố, họp nhiều lần rồi nhưng không hiểu vì sao họ lại không giao đất tái định cư cho chúng tôi. Trong khi mấy hộ phía bên kia, đất của họ là đất trồng cà phê 50 năm nhưng họ lại được cấp đất trước, xây nhà gần xong hết cả, bất công quá chú ạ.
Người dân đang phải sống trong những "căn lều" tạm bợ ven suối như thế này từ hơn 3 năm qua
Bà Vũ Thị Mão, một cựu thanh niên xung phong đang phải thuê một gian nhà cấp 4 ọp ẹp sống ở cạnh đó chia sẻ thêm "tuổi thanh niên chúng tôi cống hiến cho đất nước, khi hoà bình được nông trường giao mảnh đất này để vừa sản xuất, vừa lấy nơi chui ra chui vào. Cũng giống như nhà anh Vang, chị Thoa đây, chúng tôi phải phá bỏ căn nhà đang sống bàn giao cho nhà nước thực hiện dự án. Những tưởng cuộc sống sẽ đổi đời nhờ dự án nhưng chờ mỏi mắt không thấy đất tái định cư ở đâu, giờ chủ nhà họ đang đòi nhà, chắc sắp tới mẹ con tôi phải ra dựng lều ở ngoài bãi trống kia, vừa nói bà Mão vừa chỉ tay về phía khu đất cũ của nhà mình trong ánh mắt tiếc nuối".
Giấy tờ đầy đủ, nhà cũ không còn, nhà thuê sắp phải trả nhưng suất đất tái định cư thì.. vẫn "tắc"
Vướng mắc ở đâu?
Được biết, để tránh khiếu kiện, khiếu nại phát sinh khi phê duyệt phương án, ngày 30/6/2011, UBND TP. Điện Biên đã có công văn số 322/ UBND-VP đề xuất chi tiết phương án bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư gửi UBND tỉnh Điện Biên. Theo đó, đề nghị UBND tỉnh Điện Biên cho chủ trương để thành phố có hướng giải quyết dứt điểm các kiến nghị chính đáng của 22 hộ gia đình nằm trong diện phải giải toả mặt bằng để bàn giao đất thực hiện dự án cải tạo nâng cấp QL 12 và xây dựng điểm tái định cư tại phường Thanh Trường, TP. Điện Biên.
Gần hai năm sau, ngày 10/6/2013, UBND TP. Điện Biên tiếp tục có công văn số 379/ UBND-TNMT gửi UBND tỉnh và sở TN&MT tỉnh Điện Biên xin ý kiến chỉ đạo về việc thu hồi tổng thể đối với 22 hộ gia đình bởi việc xác định nguồn gốc đất và giấy tờ về đất của các hộ gia đình là hết sức khó khăn, liên quan tới nhiều ban ngành của tỉnh. Đồng thời cho hướng xử lý đối với các trường hợp nêu trên để thành phố triển khai các bước bồi thường GPMB giao đất tái định cư cho các hộ gia đình sớm ổn định cuộc sống.
Nhiều hộ gia đình thuộc dự án đã được cấp GCNQSDĐ như thế này
Ông Nguyễn Huy Dự, chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ giãi bày "nguồn gốc đất của các hộ gia đình thuộc khu vực giải toả phần lớn là đất lúa, đất vườn và đất trồng cây cà phê của Công ty cây công nghiệp (nay là Công ty CP chế biến nông sản Điện Biên). Qua công tác kiểm tra, các hộ gia đình đều xuất trình được các loại giấy tờ đã được UBND huyện Điện Biên cho phép chuyển mục đích sử dụng từ các loại đất trên sang đất ở lâu dài. Một số trường hợp được UBND thành phố xác nhận hợp đồng chuyển nhượng năm 2006, 2007, cá biệt có trường hợp được UBND thành phố cấp GCNQSDĐ."
Trong các buổi họp với dân, tôi thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ bức xúc chính đáng của bà con nên nhiều lần tôi đã gửi văn bản sang sở TN&MT, sở Xây dựng, kể cả UBND tỉnh, đề nghị phối hợp tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc về dự án nhưng cho tới thời điểm này mọi việc tiến triển vẫn rất chậm(?).
Người dân chỉ mong sớm có đất để ổn định cuộc sống khi những ngôi nhà được xây trên đất được cấp GCNQSDĐ của họ được phá đi phục vụ dự án của tỉnh và thành phố. Vậy nhưng kết quả cho đến giờ này vẫn chỉ là "lời hứa" từ phía các cấp chính quyền của tỉnh Điện Biên. Câu hỏi "khi nào 22 hộ gia đình mới được nhận suất đất tái định cư?" đặt ra đã hơn 3 năm, đến nay chưa có hồi kết. Cá nhân hay tập thể nào của tỉnh Điện Biên phải chịu trách nhiệm đẩy người dân rơi vào cảnh lều bạt, nhà thuê như hiện nay?.
Báo TN&MT tiếp tục thông tin vụ việc
Bài & ảnh: Mạnh Hưng