Từ thông tin phản ánh của một số hộ dân tại xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn), về những vướng mắc trong thủ tục xin cấp GCN Quyền sử dụng đất (QSDĐ), đối với những lô đất được mua của chính UBND xã, cách đây hàng chục năm vẫn không có hướng tháo gỡ. Để tìm hiểu thực hư về vấn đề này, PV báo Tài nguyên và Môi trường đã đi thực tế tại 2 dự án phân lô bán nền của xã này.
Theo thống kê sơ bộ của PV, tại 2 dự án phân lô ở khu đất Gò Sài có khoảng hơn 100 hộ dân mua đất theo dạng trên. Sau khi đóng một phần tiền mua, người dân được cấp phiếu thu đóng dấu treo của UBND xã Điện Phương. Ngoài ra, không còn một loại giấy tờ nào khác.
Điều đáng nói, mặc dù đất được phân lô trên những khu đất hoang do UBND xã quản lý, thế nhưng khi lập phiếu thu, xã lại ghi là đất thổ cư, cụ thể phiếu thu ghi: “Lý do nộp: Thu tiền đất thổ cư tại Gò Sài”.
Và rồi, do không thực hiện đúng quy định nên việc cấp sổ đỏ của một số trường hợp mua đất này không thực hiện được. Từ đó đến nay, sự việc kéo dài ròng rã gần 10 năm trời. Tuy nhiên, cũng có điều oái oăm là trong số hơn 100 người mua đất này, có người làm được sổ đỏ, có người không. Sự bất bình này cũng khiến nhiều người dân địa phương bức xúc.
Tại khu đất Gò Sài, chỉ tay vào ngôi nhà 2 tầng to lớn duy nhất tại đây, ông N.T (trú tại địa phương) cho biết, đây là nhà ông Lê Ngọc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phương. Ông Việt cũng như hàng chục hộ dân khác đều mua đất ở khu này. Nhưng ông Việt đã làm được sổ đỏ, còn rất nhiều người khác như ông N.T thì chưa làm được.
“Nhà ông Phó Chủ tịch xã có sổ đỏ rồi. Nhiều nhà khác cũng xây lên ở nhưng không có sổ, còn một số nhà nữa xây lên rồi bỏ hoang. Chúng tôi có nhà và có nhu cầu về chỗ ở thực sự nhưng lại không được cấp sổ đỏ. Trong khi, trước mặt khu đất nhà tôi người ta mua để đó, chẳng làm nhà nhưng không biết "chạy chọt" sao đó lại có sổ. Mỗi lần họp xóm, cử tri, chúng tôi đều kiến nghị nhưng chỉ như muối bỏ bể, chẳng ai nghe”, ông N.T nói.
Chưa hết, theo tiết lộ người dân mua đất tại đây, muốn làm được sổ đỏ họ được UBND xã Điện Phương “vẽ đường” rằng phải xây nhà trái phép lên trên đất và khi làm thủ tục phải khai là “đất tự lấn chiếm” thì mới được hỗ trợ thủ tục. Nhiều người dân mua đất thắc mắc, tại sao sự thật là mua đất của chính UBND xã bán, có phiếu thu của xã, mà khi làm sổ thì phải khai là đất tự lấn chiếm?.
Về vấn đề này, ông Phạm Thế Sơn, cán bộ Địa chính xã Điện phương cũng đã thừa nhận là đúng. Theo giải thích của ông Sơn, phải khuyến khích, tạo điều kiện và vận động người dân xây nhà trên phần đất đã mua để hợp thức hóa cho việc cấp giấy chúng nhận lần đầu. Còn việc hướng dẫn người dân khai là đất tự lấn chiếm là để cho thủ tục được đơn giản, gọn nhẹ hơn.
Đúng như lời người dân địa phương bật mí, chúng tôi bắt gặp nhiều tình trạng xây dựng nhà trái phép mọc ồ ạt ở khu Gò Sài. Nhiều hộ làm bỏ dang dở vì không đủ tiền, mặc khác họ sợ xây xong cũng không làm được sổ. Điều hiếu kỳ hơn, không như người dân nói là đất bán cho hộ đông con. Đằng sau 3 ngôi nhà được xây cùng một mẫu, mới mọc lên giữ cánh đồng trống. Khi hỏi về 3 ngối nhà này, ông Sơn địa chính xã cho biết chủ nhân của 3 ngôi nhà đó là một người, trước đây họ nhờ 3 người đứng tên mua hộ, hiện vẫn chưa có sổ. Xã tạo điều kiện cho dựng nhà lên để làm thủ tục cấp GCN.
Dư luận đặt câu hỏi, tại sao trong khi các địa phương khác ra sức siết chặt công tác quản lý trật tự đô thị, thì đằng này tại xã Điện Phương lại đi vận động, tạo điều kiện cho người dân xây nhà trái phép?. Phải chăng đằng sau câu chuyện này có điều gì ẩn khuất?. Nên chính quyền xã này mới đưa ra hướng giải trái ngoe như vậy nhằm sớm giải quyết dứt điểm những tồn đọng từ 2 dự án này?.
Để có cái nhìn khách quan hơn, chúng tôi đã liên lạc với lãnh đạo UBND xã Điện Phương để ghi nhận thêm thông tin. Tại phòng làm việc của mình ở UBND xã, ông Lê Ngọc Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phương thừa nhận, mình mua đất của UBND xã Điện Phương bán. “Tôi làm sổ đỏ từ năm 2009 rồi. Do mấy người dân họ không chịu làm nên mới kéo dài đến giờ”, ông Việt nói.
Ông Phạm Thế Sơn, cán bộ Địa chính xã cho biết thêm, việc xã bán đất là trước đây, tại 2 dự án này, xã có lên sơ đồ và được phê duyệt. Tổng cộng có hơn 100 trường hợp hộ dân thuộc diện như trên. Thời gian qua, chính quyền xã này đã "giải quyết" được nhiều trường hợp và nay chỉ có 47 hộ chưa được cấp sổ đỏ.
Cũng theo lời ông Sơn, việc xã "tạo điều kiện" cho dân xây nhà đã được UBND thị xã Điện Bàn đồng ý, có chủ trương bằng văn bản. Tuy nhiên, do tài liệu địa chính của xã được cất trên tầng cao nên việc sao lục mất thời gian. Ông Sơn hẹn xin ý kiến Chủ tịch UBND xã rồi sẽ cung cấp tất cả.
Vị này cũng nói rằng, trong số hơn 100 trường hợp người dân mua đất xã, có trường hợp cần đất ở thực sự, nhưng cũng có trường hợp nhờ họ hàng đứng tên mua gom nhiều lô. Đơn cử như ông Nguyễn Hữu Hoài đang xây dựng 3 nhà trên 3 lô đất nhờ người đứng tên.
Trước sự "vô tư" của chính quyền xã Điện Phương, PV tiếp tục liên hệ đến UBND thị xã Điện Bàn để tìm hiểu.
Một lãnh đạo văn phòng UBND - HĐND thị xã Điện Bàn khẳng định không có chuyện chính quyền cấp trên có chủ trương vi phạm như vậy cho cấp dưới. Vị này đề nghị PV cung cấp thông tin cụ thể rồi sẽ báo cáo lãnh đạo.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!