Tại Diễn đàn này, nhiều khuyến nghị được các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đưa ra nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong kinh doanh năm 2021 và những năm tiếp theo.
Toàn cảnh diễn đàn |
“Ba chân kiềng” của nền kinh tế vẫn giữ vững
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Báo cáo Cập nhật triển vọng và phát triển châu Á 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 và dự kiến sẽ tăng 6,3% trong năm 2021. Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác; triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực và có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay.
Để đạt được kết quả này, là nhờ vào “ba chân kiềng” của nền kinh tế vẫn giữ vững bao gồm: đổi mới thể chế mạnh mẽ; hội nhập vẫn đang thúc đẩy và chuyển đổi số đang được thực thi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương quyết liệt, kịp thời, các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội đã bước đầu phát huy tác dụng.
Mặc dù, đạt được nhiều kết quả đáng mong đợi nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt trong thời gian tới, nhất là khi doanh nghiệp vẫn chưa được phục hồi, hàng triệu lao động chưa có việc làm...
Phát huy điểm tựa để phục hồi nền kinh tế
Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết: Việt Nam là một nền kinh tế hội nhập rất sâu rộng, đặc biệt với nhiều đối tác đầu tư, thương mại, du lịch chủ chốt (như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ,…) đã và đang phải hứng chịu dịch bệnh rất nặng nề, tăng trưởng kinh tế giảm sâu.
Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác |
Kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 1,81% nửa đầu năm 2020, mức thấp nhất trong suốt tiến trình Đổi mới. Do dịch bùng phát trở lại cuối tháng 7 và tháng 8, tăng trưởng dự báo có thể chỉ đạt 2% - 3% cho cả năm 2020.
Để bước qua khó khăn, ông Võ Trí Thành cho rằng, cần phát huy điểm tựa để phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới bao gồm: sản xuất và xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công và đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới với các đối tác truyền thống sẽ tiếp tục là nền tảng tốt cho xuất khẩu Việt Nam trong năm 2021. Bên cạnh đó, đầu tư công nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh do điều hành quyết liệt hơn và khung khổ pháp lý rõ ràng hơn. Về đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việt Nam có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.
Ông Võ Trí Thành cũng nhận định, các lĩnh vực có lợi thế so sánh, cạnh tranh của Việt Nam như: dệt may, da giầy, thuỷ sản, nông sản, bán lẻ, du lịch, giải trí, y tế công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ, bất động sản, hạ tầng, khởi nghiệp sáng tạo… tiếp tục là xu hướng đầu tư, kinh doanh năm 2021. Tuy vậy, xu hướng tiêu dùng xanh, an toàn, gắn với chuyển đổi số, công nghệ sẽ chi phối mạnh mẽ.
Ngoài ra, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Liên ngành Hội nhập Quốc tế về kinh tế cho rằng, cần phải tận dụng hội nhập kinh tế quốc tế và sắp xếp lại cung ứng toàn cầu, đặc biệt, không quên tập trung đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực thương mại điện tử đang thắp sáng bức tranh kinh tế hiện nay.