PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường khẳng định, nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng còn chưa tương xứng với tiềm năng, vai trò của rừng mang lại, chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước. Vì vậy, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng ra đời nhằm mục đích thu hút, tiếp nhận các nguồn tài chính ngoài ngân sách Nhà nước cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chi trả dịch vụ môi trường rừng là một trong nguồn tài chính quan trọng của Quỹ.
Theo PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết, sau hơn 8 năm tổ chức hoạt động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (2008 – 2016) gắn với 6 năm triển khai thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo ra nguồn tài chính mới, ổn định, bền vững cho bảo vệ phát triển rừng, gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người ở vùng núi, ổn định đời sống của người làm nghề rừng.
Toàn cảnh Hội nghị |
Đến nay, toàn quốc đã có 42 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ trung ương đến địa phương, huy động ủy thác nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011 – 2016 đạt hơn 6.510 tỷ đồng, bình quân gần 1.300 tỷ đồng/năm. Tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quản lý bảo vệ 5,8 triệu ha rừng, chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc.
Nguồn tài chính này đã góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng. Các địa phương được phép sử dụng gần 385 tỷ để hỗ trợ các chủ rừng xây dựng các công trình lâm sinh phục vụ phát triển rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng công tác quản lý bảo vệ rừng có nhiều kết quả tích cực, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ rừng và phát triển rừng, diện tích rừng bị thiệt hại trong giai đoạn 2011 – 2015 giảm lần lượt là 32,9% và 58,2% so với giai đoạn 2006 – 2010.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, từ những kết quả trên khẳng định hướng đi đúng đắn trong việc tạo nguồn lực bổ sung cho ngành Lâm nghiệp thông qua sang kiến tạo cơ chế tài chính mới. Tuy nhiên, tiềm năng từ dịch vụ môi trường rừng còn rất lớn. Trong thời gian tới, cần tính toán cụ thể để khai thác tối đa không chỉ thủy điện, nước sạch, du lịch mà các loại dịch vụ môi trường rừng khác như: cơ sở công nghiệp có sử dụng nước mặt, cơ sở thủy sản có sử dụng nước từ rừng, các cơ sở có phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và huy động các nguồn lực trong nước, quốc tế nhằm bảo vệ, phát triển rừng tốt nhất, nâng cao giá trị kinh tế rừng.
Với hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ trung ương tới địa phương, gắn kết với việc thực thi có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
Vũ Vân