Doanh nghiệp - doanh nhân

Địa phương giữ thế chủ động

Trung Nguyên 13/07/2023 - 12:44

(TN&MT) - Với hai KCN sinh thái tạo được nhiều dấu ấn là Nam Cầu Kiền và DEEP C, Hải Phòng được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi sang KCN sinh thái. Đây là động lực để thành phố hoa phượng đỏ quyết tâm tạo ra nhiều KCN bền vững với môi trường, tăng sức cạnh tranh trên cuộc đua phát triển bền vững.

Sàng lọc dự án thân thiện môi trường

Trên địa bàn TP. Hải Phòng hiện có 14 KCN, trong đó, 12 khu đã đi vào hoạt động, thu hút đầu tư khoảng 37 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, các KCN, khu kinh tế đã thu hút 477 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 24,5 tỷ đô la Mỹ; 205 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 12,6 tỷ đô la Mỹ. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2023, các KCN, khu kinh tế thu hút thêm 17 dự án FDI cấp mới và 9 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn.

anh-2-2-1-.jpg
Nguồn nước từ nước thải đã qua xử lý dẫn vào hồ nuôi cá Koi tại KCN Nam Cầu Kiền (TP. Hải Phòng)

Chia sẻ về các kết quả này, ông Bùi Ngọc Hải - Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết: Nhìn chung, Hải Phòng đã thu hút đầu tư vào các KCN khá tốt so với các địa phương khác trong vùng nhờ các công cụ chính sách về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành cụ thể danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư và không khuyến khích đầu tư, qua đó, sàng lọc ngay từ đầu những dự án thân thiện với môi trường mới cho triển khai trên địa bàn.

Thành ủy Hải Phòng cũng đã đưa các nội dung về phát triển xanh, bền vững và trong các Nghị quyết riêng về phát triển KCN, cụm công nghiệp. Việc chuyển đổi thành các KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái không phải lựa chọn, mà đã trở thành tất yếu. Chúng ta đi sớm ngày nào sẽ tăng lợi thế cạnh tranh ngày đó, cả trên bình diện quốc tế và địa phương.

Theo ông Hải, giữa các tỉnh/thành trong nước và giữa các nước trong khu vực ASEAN đều đang cạnh tranh quyết liệt trong việc thu hút đầu tư. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và giá trị thị trường xuất khẩu cao, tương ứng sẽ chịu tác động rất lớn từ các hàng rào chính sách kinh tế, kỹ thuật liên quan đến giảm phát thải. Ví dụ sắp tới là thuế tối thiểu toàn cầu, Cơ chế điều chỉnh các-bon xuyên biên giới, xuất khẩu nông sản chống phá rừng... Những doanh nghiệp sản xuất trong KCN sinh thái, có dán nhãn sinh thái sẽ tránh phải chịu thuế cao và đủ điều kiện thâm nhập thị trường.

Hướng tới trung hòa các-bon

Cùng với những dấu ấn trong chuyển đổi KCN sinh thái, cả hai KCN Nam Cầu Kiền và DEEP C đều đang hướng tới tự chủ năng lượng cho KCN bằng các giải pháp năng lượng tái tạo. Theo đó, DEEP C hiện đã lắp đặt 3 hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái. KCN đặt mục tiêu sẽ đạt 100% điện tái tạo cùng với điện khí tự nhiên hóa lỏng, hoặc khí sinh học kết nối trực tiếp với dự án điện gió ngoài khơi.

Tiêu chí kinh tế tuần hoàn áp dụng cho chủ dự án KCN, cụm công nghiệp:

- Thiết lập hệ thống có thiết kế mặt bằng tổng thể tối ưu, liên kết giữa các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm định mức tiêu thụ tài nguyên đất, nước, khoáng sản, năng lượng; nâng cao tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tổng khối lượng chất thải phát sinh.

- Phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo quy định của pháp luật.

- Thu gom, lưu trữ để tái sử dụng nước mưa; thu gom, xử lý, tái sử dụng nước thải.

- Thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp

(Điều 138 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường)

Trong khi đó, KCN Nam Cầu Kiền hướng tới xây dựng KCN sinh thái áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn một cách bao trùm. Hiện tại, KCN đang xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời dùng chung, song song là xử lý nước thải tái tuần hoàn khép kín toàn bộ KCN, nhà máy điện thông minh cho KCN và áp dụng giải pháp tuần hoàn chất thải rắn, chất thải lỏng, bùn thải.

Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền chia sẻ, việc xây dựng mạng lưới hệ thống điện năng lượng mặt trời nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các doanh nghiệp trong KCN. Giải pháp này sẽ giải quyết được vấn đề giảm thiểu phát thải CO2, rủi ro thiếu điện do nguồn nhiên liệu khan hiếm, tiết kiệm chi phí và cung cấp nguồn điện ổn định cho các doanh nghiệp; Đồng thời, KCN có thể tăng cường sự kiểm soát an toàn hệ thống điện và xây dựng chuỗi cộng sinh năng lượng sạch. “Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu phát triển thị trường các-bon tại Nam Cầu Kiền, nhằm tăng thêm lợi ích kinh tế từ cắt giảm tối đa lượng các-bon phát thải toàn diện trên nhiều lĩnh vực” - ông Điệp cho biết.

Mặc dù đã có sự chuẩn bị nhưng thực tiễn tại các KCN cho thấy, các bộ, ngành vẫn cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở đó, địa phương mới có thể xây dựng các quy định riêng.

Theo ông Bùi Ngọc Hải, đây là thách thức lớn nhất của các địa phương hiện nay. Do không có quy định cụ thể, các KCN, doanh nghiệp trong KCN chưa có cơ sở chắc chắn để mời chào các nhà đầu tư thứ cấp vào mạng lưới cộng sinh công nghiệp của mình. Ví dụ nước thải của doanh nghiệp đã đảm bảo các chỉ số an toàn thải ra môi trường, nhưng để làm đầu vào cho các ngành sản xuất khác lại chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật; hay doanh nghiệp nghiên cứu giải pháp xử lý chất thải từ nhà máy phân bón làm nguyên liệu sản xuất thạch cao xi măng, nhưng chưa có tiêu chuẩn cho chất thải chôn lấp...

Trong khi chờ chính sách từ Trung ương, TP. Hải Phòng vẫn sẽ tạo điều kiện để ứng dụng các mô hình KCN sinh thái, cố gắng hoàn thiện 2 mô hình hiện có ở Nam Cầu Kiền và DEEP C. Đây là tiền đề chuyển đổi 12 KCN còn lại và triển khai ở các KCN mới sau này - ông Hải cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Địa phương giữ thế chủ động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO