Di tích trại giam Phú Quốc trở thành di tích quốc gia đặc biệt

28/03/2015 00:00

(TN&MT) - Tối ngày 27/03/2015 tại Sân bay Phú Quốc, thị trấn Dương Đông (huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) đã tổ chức sự kiện đón nhận và công bố Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc.

Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ Vũ Văn Ninh; lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành TƯ; lãnh đạo 13 tỉnh thành ĐBSCL; lãnh đạo TP.HCM, tỉnh Bình Dương, Bình Thuận và lãnh đạo các Quân khu 7,9, Quân chủng Hải Quân, Cảnh Sát biển, Bộ đội Biên phòng…

Với chỉ hơn 20 năm tồn tại (1953-1973), hệ thống nhà tù Phú Quốc được coi là “địa ngục trần gian”, là nơi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giam cầm, đày ải hàng chục ngàn người yêu nước và chiến sĩ cách mạng Việt Nam (trong đó hơn 4 ngàn người đã ngã xuống).

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao quyết định công nhận di tích quốc gia đặc biệt cho Di tích Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao quyết định công nhận di tích quốc gia đặc biệt cho Di tích Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc.

"Chứng nhân" của lịch sử

Vốn là một trại giam do thực dân Pháp xây dựng để giam cầm những người Việt, năm 1967, chính quyền Sài Gòn xây dựng lại Nhà lao Cây Dừa hay còn gọi là Trại giam tù binh chiến tranh Phú Quốc, hay Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc trên diện tích khoảng 400ha.

Đây là nơi giam giữ “cán binh cộng sản” lớn nhất miền Nam với hơn 32.000 tù binh từng bị giam giữ. Có lúc lên tới 40.000 nếu tính cả tù chính trị nhiều thời kỳ. Từ tháng 6/1953, đến tháng 7/1954,  Pháp dùng doanh trại của đám tàn quân Quốc Dân đảng để xây dựng nhà tù, gọi là Căng Cây Dừa. Nhà tù có diện tích khoảng 40 ha, hình chữ nhật, chia làm bốn trại A, B, C, D. Số lượng tù binh thời kỳ này có khoảng 6.000 người. Đến tháng 4/1954 thì có khoảng 14 nghìn tù nhân đều là nam giới. Năm 1956, chính quyền Sài Gòn cho sửa sang "Căn cứ Cây Dừa" cũ lập nên trại "Huấn chính Cây Dừa" để giam giữ tù chính trị. Năm 1967, chúng lại cho xây dựng trại giam lớn nhất của chính quyền Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam. Nhà tù Phú Quốc là nơi giam giữ hơn 40.000 chiến sỹ cách mạng, với những hình phạt, tra tấn như đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, trùm bao bố chế nước sôi hoặc đổ lửa than, ném vào chảo nước sôi, thiêu sống, chôn sống...

Nhà tù Phú Quốc có tất cả 12 khu được đánh số từ 1 đến 12, do 3 tiểu đoàn quân cảnh (7, 8, 12) canh giữ. Riêng khu 13, 14 được xây dựng thêm vào cuối năm 1972. Mỗi khu trại giam có thể chứa khoảng 3.000 tù nhân. Mỗi khu trại giam được chia làm nhiều phân khu, mỗi phân khu chứa được 950 tù binh, riêng phân khu B2 dành riêng để giam giữ các sĩ quan.Bao quanh mỗi khu nhà lao là trùng trùng hàng rào kẽm gai 10 – 15 lớp ken cứng với hệ thống điện chiếu sáng dày đặc. Bên cạnh bộ máy cai ngục, lúc cao nhất tới bốn tiểu đoàn lính gác trang bị đầy đủ vũ khí và phương tiện cơ động, canh giữ, tuần tiễu ngày đêm. Ngoài biển thường xuyên có một hải đoàn hải quân tuần tiễu vòng ngoài…

Lực lượng canh giữ tù binh đông đến mức 2 người tù có 1 người lính trông giữ. Bộ máy đàn áp lên đến 4.000 người gồm cả hải, lục, không quân. Với bộ máy này, địch tin rằng không những đủ sức đàn áp những người tù mà còn có thể đánh bại bất cứ một lực lượng ngoại nhập nào tính liều mạng giải phóng tù binh nhà lao Cây Dừa.

Nhà tù Phú Quốc là một bằng chứng sống động ghi dấu tội ác vô cùng dã man của chế độ thực dân, đế quốc xâm lược, đồng thời nói lên tinh thần bất khuất đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cách mạng. Đến đầu năm 1973 thì Hiệp định Paris ký kết. Trại giam không còn hoạt động nữa. Chỉ trong thời gian tồn tại không đầy 6 năm (từ tháng 6/1967 đến 3/1973), tại đây đã có hơn 4.000 người chết, hàng đã bị địch dùng cực hình tra tấn dã man (như đóng kim, chuồng cọp Catso, chuồng cọp kẽm gai, ăn cơm nhạt, lộn vỉ sắt, đục răng, đóng đinh, roi cá đuối,...) và đã hy sinh tại đây, hàng chục ngàn người bị thương tật tàn phế. Những điều đó đã biến Nhà tù Phú Quốc trở thành "chứng nhân" của lịch sử.

Uống nước nhớ nguồn

Năm 1996, nhà lao Cây Dừa được công nhận là khu di tích lịch sử  quốc gia. Tháng 4/2009, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích để mở rộng việc trưng bày hiện vật, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử... của du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Phú Quốc. Tối ngày 26 tháng 07 năm 202, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” do Chủ tịch nước trao tặng cho tập thể chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và giam giữ tại Nhà tù Phú Quốc.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh tại di tích Nhà tù Phú Quốc vào tháng 1/2010, Dự án có quy mô khoảng 570 ha, trong đó giai đoạn 1 sẽ triển khai trên diện tích 342,2247 ha. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Khu tưởng niệm có khả năng đón tiếp khoảng 15.000 khách tham quan/ngày. Về tổng thể, không gian Khu tưởng niệm bố trí các hạng mục bao gồm: quảng trường tiếp đón; khu bảo tồn trại giam; khu đền thờ; đại lộ ước vọng; quảng trường tri ân; khu bảo tồn khai quật; chùa An Linh; khu tưởng niệm trên biển; khu văn hoá tâm linh; đường hầm ra biển; khu dịch vụ; không gian cảnh quan; khu bảo tồn sinh thái rừng và khu giáo dục truyền thống cách mạng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Khu tưởng niệm bao gồm mạng lưới giao thông đối ngoại lộ giới 42m có vỉa hè rộng 8m, dãy phân cách 5m, còn lại dành cho mặt đường. Mạng lưới giao thông nội bộ bố trí đường rộng 24m, vỉa hè mỗi bên 1m. Ngoài ra còn có hệ thống thoát nước mặt, thoát nước thải và vệ sinh môi trường. Tổng vốn dự toán của Dự án này khoảng 331,3 tỉ đồng sử dụng nguồn tiền từ đóng góp của các mạnh thường quân.

Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: Huyện sẽ tăng cường nhiều hơn nhằm giáo dục lòng yêu nước, tinh thần hy sinh,bất khuất của các anh hùng liệt lỹ, cán bộ chiến sỹ Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc. Huyện sẽ giữ gìn, quản lý,khai thác tốt giá trị tinh thần của Khu Di tích cũng như các hiện vật hiện có tại đây, thường xuyên bảo quản trì,chống xuống cấp để thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục và nhu cầu thăm quan ngày càng tăng của du khách. Do Di tích Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc có kết cấu đặt thù là kết cấu bằng các vật liệu kim loại và rất gần bờ biển nên rất dễ bị ô xy hoá, hỏng hóc và cũng do Di tích là điểm thăm quan giáo dục truyền thống, trưng bày tội ác chiến tranh nên không thu tiền vé thăm quan cho nên rất cần sự quan tâm của lãnh đạo các cấp tăng thêm kinh phí bảo trì và tiếp tục đầu tư hoàn thành các hạng mục phục dựng tiếp giai đoạn hai theo quy hoạch.

Hiện nay, mỗi năm Khu Di tích Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc đón trên 10 nghìn lượt khách trong và ngoài nước, trong đó có cả những cựu tù binh cũ trở về thăm Di tích. Ngoài ra, Di tích cũng là nơi học sinh trên đảo thường đến đây để học những trang sử sống động về Phú Quốc và lịch sử đấu tranh của dân tộc. Di tích Trại giam Phú Quốc được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, nơi để thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về một thời đấu tranh khốc liệt của nhân dân ta, là bằng chứng xác thực ghi dấu tội ác dã man của quân xâm lược, đồng thời nói lên tinh thần bất khuất đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cách mạng. Qua đó giáo dục truyền thống dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tinh hãy hỗ trợ, cả về vật chất, tinh thần nhằm tu bổ cho khi Di tích đặc biệt này để di tích ngày càng phát huy giá trị giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ và là điểm đến không thể thiếu trong mỗi du khách khi đến đảo ngọc nghỉ dưỡng.

 Giang Sơn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di tích trại giam Phú Quốc trở thành di tích quốc gia đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO