“Di sản” chợ Sắt gắn liền với lịch sử hào hùng Hải Phòng

Phạm Duy - Xuân Vũ| 20/11/2019 19:07

(TN&MT) - Hà Nội có chợ Đồng Xuân, TP HCM có chợ Lớn, chợ Bến Thành, Huế có chợ Đông Ba, Đà Nẵng có chợ Hàn, chợ Cồn... Hải Phòng có chợ Sắt. Với sự nổi tiếng của chợ Sắt và tuổi đời gắn liền với những năm tháng lịch sử hào hùng của TP Hải Phòng từ thời Pháp thuộc thì chợ Sắt có thể được coi là “Di sản”, vậy mà sắp phải đau đớn nhường chỗ cho tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao.

Chợ sắt một thời nức tiếng

Ngày xưa chợ Sắt là một chợ phiên trong địa phận làng An Biên Hải Phòng và vốn nổi tiếng đến mức có câu nói “chưa vào chợ Sắt coi như chưa đến Hải Phòng” hay “cần mua bất cứ thứ gì từ những cỗ máy tàu thủy, ô tô tới cái đĩa ca nhạc mới nhất trên thế giới, nếu chợ Sắt không có thì chẳng ở đâu có”.

Chợ sắt thời Pháp thuộc  (Ảnh internet).

Chợ này được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, với tên gọi Chợ Lớn. Nhưng do chợ được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu sắt thép nên người dân Hải Phòng gọi là chợ Sắt. Nhờ địa thế thuận lợi (ngay sát sông Tam Bạc, đường Quang Trung) lại có lợi thế bên tuyến đường thủy từ Hải Phòng đi các tỉnh nên dưới thời Pháp thuộc chợ Sắt từng là nơi rất sầm uất, đầu mối buôn bán chính từ Nam Định lên hoặc Quảng Yên (Quảng Ninh) xuống.

Sang thời bao cấp, chợ Sắt lần nữa được xây dựng lại toàn bộ nhân kỷ niệm 30 năm Hải Phòng giải phóng (1985). Tháp nước giữa chợ bị phá. Bù lại, chợ không chỉ có buôn cau, buôn vải như thuở xa xưa, mà còn kinh doanh vàng bạc và đủ thứ hàng trên trời dưới biển. Đặc biệt, thứ gì "mậu dịch" không có, ra chợ Sắt là có. Hàng nhập lậu từ nước ngoài theo chân thuỷ thủ viễn dương, hàng "móc" từ kho nhà nước, hàng "đánh" từ những đoàn xe vận tải, xà lan, tàu đẩy... trên đường hành trình - Tất cả đổ về chợ Sắt. Chợ Sắt bán hàng cho cả miền Bắc.

Quang cảnh chợ sắt ngày nay

Đã từng có thời kỳ, ai đến Hải Phòng (người Hà Nội, người Sài Gòn...) cũng muốn (hoặc được mời) đi chợ Sắt, để trầm trồ, để ngắm nghía, để tiếc rẻ vì... thiếu tiền! Chợ Sắt làm giàu cho người Hải Phòng. Có một chỗ ngồi kinh doanh trong chợ Sắt là có "giấy chứng nhận" về sự giàu có.

Đừng hiểu lầm chợ Sắt “đã chết”

Hải Phòng vào thời mở cửa, thành phố “bơ phờ” vì đã chịu đựng cơn bão bao cấp quá dài. Sức dân cạn kiệt, Hải Phòng trông vào điểm tựa đẩu tư nước ngoài để bẩy mình lên. Đến tháng 5/1992, chợ Sắt được xây dựng thành một trung tâm thương mại, dịch vụ 5 tầng, trở thành công trình liên doanh đầu tiên của Hải Phòng với nước ngoài (Quảng Tây, Trung Quốc), tổng vốn đầu tư 7 triệu USD.

Khách du lịch tham quan chợ Sắt - Ảnh Phạm Duy.

Ông Tạ Khởi Tường - Chủ tịch HĐQT (người Trung Quốc) đã từng nói, người Hải Phòng sẽ được thấy một cái chợ hoàn toàn không giống với quan niệm về chợ xưa nay của họ, một hình thức văn minh thương mại mới, "chợ - siêu thị”. Từ chợ Sắt, hàng Trung Quốc sẽ toả khắp vùng đồng bằng sông Hồng.

Một nửa chợ Sắt nhanh chóng hoàn thành vào năm 1993. Tuy nhiên, Nỗi thất vọng đến rất nhanh. Dân tình, cả những người gốc chợ Sắt, cũng chẳng mặn mà dọn về chợ mới cửa kính, tường gương! Cả ngày và đêm, lúc nào chợ Sắt cũng vắng tanh như… chợ chiều!. Các nhà đầu tư chán nản đã bỏ lại một nửa chợ Sắt cho đám cỏ dại mọc hoang hóa.

Các cửa hàng kinh doanh tại các con phố quanh chợ Sắt buôn bán tấp nập - Ảnh Phạm Duy

Chợ Sắt Hải Phòng nổi danh một thời, do mô hình xây dựng không phù hợp, giờ đây chỉ còn một vài hộ kinh doanh đồ điện tử ngoài mặt tiền chợ còn khá đông khách. Phía trong chợ, những quầy hàng bán buôn, bán lẻ chỉ lác đác vài khách ngó nghiêng.

Cảnh tượng đó đã khiến không ít người nghĩ chợ Sắt đã đến lúc chết thật. Nhưng đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Chợ sắt hiện nay vẫn là đầu mối cung cấp vật tư, khí cụ cho nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất tại Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Hầu hết các hộ kinh doanh tại chợ đều hoạt động dưới hình thức bán buôn với quy mô tương đối lớn. Các tiểu thương hoạt động tại chợ chỉ coi điểm kinh doanh tại chợ là nơi để bầy hàng mẫu, mỗi hộ đều có một kho hàng riêng tại địa điểm khác. Mọi giao dịch về thủ tục mua bán có thể thực hiện tại đây nhưng hàng hóa sẽ đi thẳng từ kho hàng tới người mua.

 “Xóa bỏ” hay nên phục dựng ?

Lang thang chợ Sắt một chiều sau thông tin TP Hải Phòng đang lên phương án xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao tại khu vực này, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện đầy tiếc nuối về một thời vàng son đã đi qua của những tiểu thương cả đời gắn bó với chợ. Để rồi ai cũng băn khoăn, tại sao lại chọn vị trí này trong khi Hải Phòng không thiếu địa điểm để xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao. Có nhiều tiểu thương còn ca thán rằng, xóa bỏ chợ sắt là phá đi “miếng cơm manh áo” của họ và rồi 425 trường hợp đang ký hợp đồng kinh doanh chợ Sắt sẽ “đi đâu về đâu”?.

Các cửa hàng kinh doanh tại các con phố quanh chợ Sắt buôn bán tấp nập.

Là một nhà thơ, một nhạc sĩ nổi tiếng, một con người gắn bó với Hải Phòng, ông Nguyễn Thụy Kha trầm ngâm chia sẻ, chợ Sắt là tuổi thơ, là ký ức của ông và nhiều người dân Hải Phòng. Theo thời gian, nhiều người Hải Phòng đi buôn bán, định cư khắp năm châu, nhờ ký ức tốt đẹp chợ Sắt vì thế cũng được nổi tiếng khắp nơi.

 

Trước thông tin, chợ Sắt sẽ được thay thế bằng trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, ông Nguyễn Thuỵ Kha nhấn mạnh, Hải Phòng có nhiều vị trí để xây khách sạn, trung tâm thương mại, cớ gì phải xây tại vị trí ngôi chợ nổi tiếng này. Thực tế là các trung tâm thương mại ngày nay mọc lên khắp nơi, nhiều nơi cũng ế ẩm. Nhưng chúng ta chỉ có một chợ Sắt, chợ Sắt sẽ mất đi cái hồn nếu kinh doanh các mặt hàng khác hay trở thành một trong những trung tâm thương mại na ná giống nhau. Thay vì xóa bỏ tại sao chúng ta không phục dựng, tôn tạo, quy hoạch phù hợp để phát triển thành một điểm đến du lịch. Có thể chợ Sắt nay không còn tấp nập người mua kẻ bán nhưng thương hiệu về một ngôi chợ nổi tiếng vẫn thu hút sự tò mò của du khách khi có dịp đến Hải Phòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Di sản” chợ Sắt gắn liền với lịch sử hào hùng Hải Phòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO