Khắp nơi đang khô khốc, người người mong đợi một cơn mưa giải khát. Nhưng trời vẫn cứ kéo dài đợt nắng nóng. Miền Bắc quay cuồng trong “chảo lửa”, thèm bóng cây ven đường như thèm ly nước sâm giải nhiệt... Có lẽ, chỉ khi chịu cái nắng cháy da mới biết quý trọng bóng cây, tán lá ven đường. Và quá vãng về những hàng cây bị “hạ thủ”, chúng ta sẽ thêm bức bối vì nắng nóng khi thiếu vắng những chiếc dù thiên nhiên xanh mát ấy.
Mỗi thành phố, vô tình hay hữu ý, có loại cây đặc trưng riêng, như: Hải Phòng “thành phố hoa phượng đỏ”, Hà Nội “mùa hoa sữa”, Sài Gòn “cánh hoa dầu xoay tít bay bay”… Trải qua thời gian, môi trường biến đổi, đô thị phát triển, cây xanh trong thành phố trở thành chứng nhân của sự thay đổi ấy. Cây xanh cũng giống như con người khi bắt buộc phải sống kẹt cứng giữa những đòi hỏi tự nhiên và đặc trưng của môi trường nhân tạo. Cách thức một đô thị hành xử với cây xanh cũng báo trước cách thức xã hội hành xử với những cá nhân con người bên trong nó.
Đi trên một quãng đường dài của Thủ đô, dưới nắng, mướt mát mồ hôi, mới thấy trân quý những bóng cây xanh. Ảnh: Hoàng Minh |
Bê tông hóa được coi như một sự phát triển tích cực về mặt kinh tế và xã hội, nhưng xét về mặt trái, nó lại tác hại đến môi trường sống. Bê tông hóa những năm gần đây được đẩy mạnh phát triển trên nhiều hình thức, trong đó, vùng đô thị đã đi đầu như nhà cao tầng đường phố sân chơi vỉa hè đều bằng bê tông. Ở nông thôn nhà lá và hàng rào truyền thống bằng cây xanh từ ngàn xưa, ngày nay, đã thay bằng nhà ở, hàng rào, lối đi bằng bê tông...
Chưa kể, nhiều dự án lớn của cấp quốc gia gần đây đều được mang tên bê tông hóa: Đê điều, kênh mương, đường nông thôn… Diện tích bê tông hóa xây dựng phát triển bao nhiêu, tiếc thay, có bấy nhiêu diện tích đất đai cỏ cây tự nhiên bị biến mất.
Và những câu chuyện lựa chọn xây mới bất luận phải phá bỏ không gian xanh đã đi vào tâm thức của người dân, đã trở thành những tiếng thở dài của mà chưa được hồi đáp. Nỗi lo thiếu cây xanh từ lâu đã lớn hơn lời cảnh báo.
Một đất nước phát triển không thể thiếu đường giao thông hiện đại, thiếu nhà cao tầng, thiếu những công trình đồ sộ. Nhưng một đô thị hiện đại văn minh cũng không thể vắng thiên nhiên mà cây xanh là yếu tố quan trọng nhất.
Đô thị phải hy sinh những hàng cây cổ thụ để phục vụ cho những dự án giao thông hiện đại. Đó là điều cần chấp nhận trọng niềm luyến tiếc của những thị dân gắn bó phố phường. Nhưng cần hơn cả là việc rút kinh nghiệm để thay đổi tư duy ứng xử với cây xanh, để đón đầu bước phát triển của đô thị văn minh, nơi con người có thể sống thịnh vượng bên cạnh những hàng cây xanh mát vững vàng ổn định.
Hôm nay, đi trên một quãng đường dài của Thủ đô, dưới nắng, mướt mát mồ hôi, mới thấy trân quý những bóng cây xanh.