Thế giới

Di cư vì BĐKH tiếp tục là vấn đề nhức nhối ở châu Á

Mai Đan 05/01/2024 - 21:49

(TN&MT) - Nhân loại đã và đang phải gánh chịu tình trạng di cư gia tăng do vấn đề biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề nhức nhối trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia thuộc khu vực châu Á. Theo các chuyên gia, các nước trong khu vực cần tập trung giải quyết vấn đề này.

Những số liệu đáng chú ý về di cư do biến đổi khí hậu

Trung tâm Giám sát Di dời Nội bộ (IDMC) vừa cho biết, năm 2022, con số kỷ lục 32,6 triệu người phải di dời trong nước có liên quan đến các thảm họa, cao hơn 41% so với mức trung bình hàng năm trong thập kỷ qua. Đặc biệt, con số này lớn hơn nhiều so với 28,3 triệu người phải di dời do xung đột và bạo lực được ghi nhận trong cùng năm.

Đáng chú ý, 4 trong số 5 quốc gia có số lượng người mới phải di dời trong nước cao nhất do thiên tai vào năm 2022 đều ở khu vực châu Á. Theo IDMC, Pakistan ghi nhận số lượng cao nhất với 8,2 triệu người, sau đó là là Philippines (5,5 triệu người) và Trung Quốc (3,6 triệu người).

107214187-1679591995142-gettyimages-1243720318-afp_32kp438.jpg
Bé gái ngồi trên cũi để băng qua con phố ngập lụt ở Pakistan

Thậm chí, tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn khi một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, vào năm 2050, biến đổi khí hậu có thể buộc 216 triệu người trên khắp 6 khu vực phải di dời trong nước. Trong đó, theo nhận định của giới chuyên gia, Nam Á có thể là khu vực có nhiều người phải di dời do biến đổi khí hậu nhất vì mật độ dân số và tính dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể, Bangladesh, Pakistan và Afghanistan là những quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Số liệu từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, 10 - 18% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nam Á phải đối mặt với rủi ro do các thảm họa khí hậu, khoảng gấp 3 lần rủi ro Bắc Mỹ phải đối mặt và gấp 10 lần so với châu Âu.

Năm 2023, nhà khí hậu học người Nga Alexei Kokorin từng cho biết, theo kịch bản xấu nhất, vào cuối thế kỷ này, khả năng 30% dân số toàn cầu sẽ phải di cư vì những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Còn theo kịch bản tốt nhất, con số này sẽ rơi vào khoảng 10% dân số.

Ông Vinod Thomas đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak nhấn mạnh, sự di dời trong nước do biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế đối với nước sở tại. Theo IDMC, trong các vụ cháy rừng Mùa hè đen ở Australia trong giai đoạn 2019 - 2020, thiệt hại về sản xuất kinh tế của một người mất một ngày làm việc là khoảng 510 USD. Có 65.000 người mới phải di dời vì các vụ cháy rừng.

IDMC ước tính, chỉ việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho những người không thể trở về nhà trong một năm cũng lên đến 44 - 52 triệu USD.

Tìm giải pháp ứng phó tình trạng di dời do biến đổi khí hậu

Tại Đông Nam Á, Cố vấn cấp cao của Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) Pia Oberoi nhận định nhiều người đã có những phản ứng trước tình trạng biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Bằng chứng là, biến đổi khí hậu đã làm tăng thêm số lượng dòng người di cư truyền thống như di cư lao động. Chẳng hạn, số lượng lớn người lao động nhập cư Bangladesh ra nước ngoài làm việc và thậm chí phải chịu những khoản nợ lớn để làm việc đó.

Thậm chí, một số người không còn gì để quay về vì thiên tai đã ảnh hưởng đến sản xuất cây trồng tại quê nhà và không thể quay trở lại khu ổ chuột ở thành phố, hay những người khác bị buộc phải di cư khi không còn khả năng sống ở quê nhà.

Bà Tamara Wood, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Luật Tị nạn Quốc tế Kaldor cho biết, tuy việc di dời trong nước do biến đổi khí hậu phổ biến hơn nhiều so với việc di dời xuyên biên giới, nhưng mọi người có thể dần bắt đầu di dời xuyên biên giới khi tác động của biến đổi khí hậu tồi tệ hơn.

Ông Vinod Thomas cho rằng, các quốc gia cần tập trung vào 3 bước để đối phó với tình trạng di dời do biến đổi khí hậu, đó là xây quỹ hoạt động cứu trợ và phục hồi, thích ứng với biến đổi khí hậu và thúc đẩy nền kinh tế khử carbon.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva thông tin, các quốc gia giàu có đã đạt mục tiêu phân bổ lại 100 tỷ USD trong các quỹ của tổ chức này để ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng nghèo đói tại các nước đang phát triển. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng với hàng triệu triệu người đang phải hứng chịu hệ lụy khủng khiếp gây ra bởi biến đổi khí hậu. Tuy vậy, đây mới chỉ là thành quả bước đầu; còn cần nhiều hơn nữa sự chung tay, ứng phó xuyên biên giới cho vấn đề giải quyết biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Theo ông Thomas, hiện các nước châu Á chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc cứu trợ và phục hồi người tị nạn, đồng thời chưa thực hiện tốt việc xây dựng mạng lưới an toàn tài chính và xã hội. Do vậy, trong thời gian tới, cần xem xét một cơ sở thu hút các nguồn lực trên khắp các quốc gia và hỗ trợ khi cần thiết.

Theo Tổng hợp từ CNBC
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di cư vì BĐKH tiếp tục là vấn đề nhức nhối ở châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO