Dẹp loạn thị trường đa cấp

11/03/2017 00:00

Chỉ trong vòng một tuần đầu tháng 3/2017, Bộ Công thương đã liên tiếp rút giấy phép hoạt động của 5 công ty đa cấp do các công ty này chưa đủ điều kiện, giấy phép hết hiệu lực, làm ăn thua kém hoặc tự xin phá sản. Nhìn lại một năm qua, với việc mạnh tay xử lý của cơ quan quản lý, thị trường đa cấp xem ra không còn… loạn như thời gian trước.

Công an, quản lý thị trường tỉnh Gia Lai niêm phong, thu giữ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực bán hàng đa cấp tại cơ sở kinh doanh Thiên Ngọc III (đường Phạm Văn Đồng, TP Pleiku). (Nguồn: Tuổi trẻ)
Công an, quản lý thị trường tỉnh Gia Lai niêm phong, thu giữ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực bán hàng đa cấp tại cơ sở kinh doanh Thiên Ngọc III (đường Phạm Văn Đồng, TP Pleiku). (Nguồn: Tuổi trẻ)

Giảm gần 50% số công ty đa cấp

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2016 và hai tháng đầu năm 2011, Bộ Công thương đã “trảm” khoảng 40 công ty đa cấp. Và theo Bộ Công thương, thời gian tới sẽ còn tiếp tục xử lý mạnh tay các trường hợp kinh doanh thiếu lành mạnh của các DN trên thị trường đa cấp.

Theo thông báo của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, Cục vừa xử lý hai công ty kinh doanh đa cấp, đó là Công ty CP Nhượng quyền thương mại quốc tế  G10 có trụ sở chính và địa điểm hoạt động bán hàng đa cấp tại số 4, ngõ 86/16 phố Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Và công ty TNHH MTV Gano Excel Việt Nam có trụ sở tại phường 15, quận quận 11, TP Hồ Chí Minh. Lý do tạm ngừng của công ty nói trên là để cơ cấu, tổ chức lại hoạt động kinh doanh của công ty, tìm thuê mặt bằng mới. Đây chỉ là hai trong số hàng loạt công ty đa cấp đã được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) “sờ gáy”.

Trước đó, hồi năm 2016, hàng loạt các công ty đa cấp đã được Bộ Công thương xử lý do làm ăn phi pháp, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng, tạo bất ổn lớn trong xã hội. 

Số lượng các doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải chấm dứt hoạt động ngày càng nhiều, tính từ thời điểm đầu năm 2016, khi Bộ Công thương ra tay “dẹp loạn” kinh doanh đa cấp cho đến nay, đã có hơn 30 công ty đa cấp phải ngừng hoạt động. Như vậy, so với số lượng 67 doanh nghiệp trước kia, con số này đã giảm gần 50% so với năm 2015. Không chỉ giảm về số lượng doanh nghiệp, số người tham gia bán hàng đa cấp đang hoạt động trong nửa đầu năm nay cũng giảm hơn 57% so với cùng kỳ năm ngoái, hiện chỉ còn khoảng 500.000 người (trước đó gần 1,2 triệu người).

“Ông lớn” Thiên Ngọc Minh Uy cũng mắc nhiều sai phạm
“Ông lớn” Thiên Ngọc Minh Uy cũng mắc nhiều sai phạm

Đưa vào khuôn khổ

Theo Bộ Công thương thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp có nhiều biến tướng, ảnh hưởng đến người tham gia mạng lưới. Trong các vi phạm phổ biến có hoạt động lợi dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính. Thậm chí nhiều doanh nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận Bán hàng đa cấp nhưng vẫn lén lút hoạt động để huy động người tham gia thu lợi bất chính. 

Trên thực tế, loại hình kinh doanh đa cấp không phải là xấu, các nước trên thế giới đã áp dụng loại hình kinh doanh này từ lâu, song chỉ khi du nhập vào Việt Nam mới có nhiều biến tướng và ngày càng trở nên phức tạp hơn. Điều này cũng được ông Đặng Phương Nam - Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) nhận định: “Hoạt động bán hàng đa cấp là loại hình kinh doanh được đánh giá cao ở nhiều quốc gia trên thế giới, nên sau khi du nhập vào Việt Nam năm 1998, đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận từ năm 2004. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam có nhiều biểu hiện biến tướng, gây thiệt hại lớn cả về vật chất và tinh thần cho nhiều người dân”. Chỉ đơn cử, một công ty Liên Kết Việt trong vòng 1 năm hoạt động đã mở rộng ra 19 tỉnh, thành phố lôi kéo hơn 60 ngàn người tham gia với số tiền “khủng” lừa được lên 1.900 tỷ đồng… đã cho thấy sức hấp dẫn của loại hình kinh doanh này mạnh mẽ đến đâu.

Tuy nhiên, không để cho thị trường này náo loạn quá lâu, sự vào cuộc của nhà quản lý, cụ thể ở đây là Bộ Công thương đã khiến cho thị trường đa cấp dần trở nên lặng song, không còn bát nháo như trước kia. Ngay cả những công ty lớn như Thiên Ngọc Minh Uy, Amway cũng đã bị nhà quản lý “sờ gáy” và kết quả cũng không nằm ngoài dự đoán của dư luận. Cả hai “đại gia” trong làng kinh doanh đa cấp này cũng đều vi phạm nhiều lỗi trong hoạt động kinh doanh và đã bị nhà quản lý đưa ra những hình phạt thích đáng.

Có thể khẳng định, kể từ khi thâm nhập vào Việt Nam, loại hình kinh doanh đa cấp đã gây ra nhiều biến động về mặt xã hội. Mặc dù thừa nhận, loại hình kinh doanh này ngày càng biến tướng, phức tạp gây nhiều bức xúc trong xã hội, song Bộ trưởng Bộ Công thương  Trần Tuấn Anh trong những cuộc họp liên quan đến thị trường này đều chia sẻ rằng: “Không nên nhìn đa cấp theo kiểu thích cho làm, không thích, khó khăn trong quản lý thì cấm”. Theo người đứng đầu ngành công thương, một nền kinh tế hội nhập, mở rộng thì không thể làm kiểu chủ quan duy ý chí. Tất cả phải trên cơ sở khoa học, thực tiễn có cơ sở pháp lý. Chính vì vậy, theo ông Trần Tuấn Anh, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý để đưa hoạt động kinh doanh đa cấp vào khuôn khổ, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực. 

Cũng theo khẳng định của lãnh đạo Bộ Công thương, trong năm 2017, Bộ sẽ tiếp tục “dẹp loạn” trên thị trường này, sẽ “trảm” những DN sai phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp đồng thời hạn chế cấp phép cho các DN tham gia trong lĩnh vực này để thị trường này ổn định hơn, tạo niềm tin trở lại cho người dân đối với thị trường.    

Theo daidoanket

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dẹp loạn thị trường đa cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO