Khi tôi và nhà báo Hà Đình Cẩn được một chiếc xe bộ đội thả xuống trước trụ sở Nha cảnh sát Đô thành Sài Gòn thì trời đã xẩm tối. Sau không biết mấy nghìn đêm chiến tranh bị xé nát bởi đạn bom và pháo sáng, đêm hòa bình đầu tiên đang về trên mảnh đất đau thương thật giản dị đến lạ lùng. Vứt vội chiếc ba lô đầy bụi đường vào một gian phòng bỏ không, chúng tôi chạy ra đường chỉ để đứng ngắm dòng người xe tấp nập. Một cảm giác gì như mộng mị bỗng mỗi lúc một dâng lên đầy ắp trong tôi. Đây là đâu? Là thực hay mơ?... Sài Gòn đó ư, địa danh bao nhiêu năm dài từng là cái đích xa vời, cái khát vọng cháy bỏng của bất cứ người lính cách mạng nào trong suốt những năm tháng chiến đấu gian lao, ác liệt.
Người dân đổ ra đường chào đón Quân Giải phóng ngày 30/4/1975 |
Bao nhiêu lớp lớp con người đã ngã xuống vì cái đích ấy, máu xương họ đã chất cao như núi, chảy dài như sông suối. Ấy vậy mà hôm nay, chúng tôi, những thế hệ đến sau, chưa cống hiến được là bao, chưa trải hết muôn nỗi đắng cay, lại có được cái diễm phúc vô song là đặt bàn chân bé nhỏ của mình lên cái đích cuối cùng của hai cuộc trường kỳ kháng chiến. Và Sài Gòn đó, đã đến với tôi như một người vừa quen vừa lạ. Lạ, vì dẫu ra đi từ mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến, nhưng thuở ấy Hà Nội của tôi còn nghèo lắm, với những chiếc xe đạp đơn sơ, những màu áo xanh giản dị, thêm vào đó là màu lá ngụy trang luôn xóa nhòa dáng dấp của bất kể trai thanh gái lịch nào… Còn Sài Gòn ư, ngay trong thời khắc nhất kiến, trong đầu tôi đã vang lên hai câu không ra thơ cũng chẳng ra ghi chép:
Tôi đi trong buổi - chiều - hon - đa
Giữa những tiếng ầm ầm rú ga, sang số…
Cái “tiếng ầm ầm” ấy, phải nhiều năm sau Hà Nội mới có. Cho nên, anh bạn tôi đã có lý khi không nén được trầm trồ: Nếu không nghe người Sài Gòn nói, thì cứ tưởng đang ở nước ngoài! Những mái tóc đàn ông dài chấm vai, những chiếc quần ống loe dễ đến 45 phân, hay những chiếc mini giuýp…, tất cả, tất cả, trước mắt mấy anh lính Trường Sơn chúng tôi thật không thể còn gì lạ lẫm hơn. Vậy mà, bất chấp tất cả những điều ấy, với tôi, Sài Gòn ngay trong phút đầu thoạt gặp vẫn vô cùng quen thuộc. Ấy là khi tôi bước đi dưới những vòm cây ẩm ướt của trận mưa đầu hạ, nhìn thấy ánh đèn nê ông xanh biếc lấp lóa từ sau một khung cửa sổ. Thứ hơi mát của trận mưa rào thoáng chốc ấy, thứ ánh sáng thân thuộc đến nao lòng ấy… chẳng đã từng quá gần gũi với tôi trong những giấc mơ của tuổi vào đời. Và nhất là khi tôi chợt nghe mơ hồ từ sau vòm cây nào đó có tiếng đàn pianô thánh thót, thì không chỉ là tuổi trẻ, mà là cả một trời kỷ niệm như ùa về - kỷ niệm về một tình yêu ngọt ngào và cay đắng...
Sau bao tháng ngày ở rừng chỉ nghe chim kêu và suối chảy, Sài Gòn và ngày đoàn tụ của dân tộc đã trả lại cho tôi những kỷ niệm vẹn nguyên, ngay khi tôi đã cách xa Hà Nội thân yêu tới cả ngàn cây số. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không sao hiểu được từ đâu vang lên tiếng đàn ấy, không hiểu được vì sao giữa những thời khắc có thể gọi là nước sôi lửa bỏng mà có những con người Sài Gòn vẫn giữ được cho mình một khoảng lặng yên thanh bình kỳ lạ đến thế. Có một điều gì thật khác thường trong cuộc chiến tranh này, hay cũng có thể nói là kỳ lạ trong tâm thức con người Việt Nam vào những giây phút ấy.
Đã quá quen với giấc ngủ Trường Sơn, chẳng ngó ngàng gì đến các thứ giường chiếu trắng tinh thơm phức, chúng tôi loay hoay tìm nơi mắc võng qua đêm. Khi đã yên vị trên tấm võng dù hai đầu treo lên hai chấn song cửa sổ, tôi cứ đinh ninh sẽ có một giấc ngủ say sưa như Napôlêông sau trận Oateclô để bù lại cho bao nhiêu đêm hành quân trèo đèo lội suối, bươn bả lao theo bước chân thần tốc của đồng đội. Nhưng tôi đã nhầm. Làm sao có thể ngủ được trong một đêm như thế! Hay bởi tôi không có được cái thần kinh bằng thép của Napôlêông? Chỉ biết rằng, đó là một đêm có một không hai trong đời tôi. Trong thanh âm rộn rã bất tận của phố phường Sài Gòn, suốt đêm ấy tôi trôi đi trong dòng sông ký ức, từ gần đến xa, rồi lại về gần, rồi lại ra xa:
Đó là một đêm ở Tây Trường Sơn, theo lời chỉ dẫn của cánh lái xe, tôi nằm ngửa trên thùng xe gát, buông chùng cơ thể, mặc kệ những cú xóc kinh người, thả hồn dõi theo vòm trời sao mùa khô như nong vừng rắc chi chít trên cao, nhìn những tán cây đại thụ lao vun vút về phía sau để biết mình cũng đang lao vun vút về phía trước - mà phía trước là đâu, là gì, ra sao…, lúc ấy nào ai đã biết. Ngày hòa bình còn xa lắc xa lơ, không ai nói trước được điều gì. Đó là ấn tượng về một con đường đầy bụi. Không phải thứ bụi nhẹ nhàng cuốn theo bánh xe như ở đồng bằng, bụi Trường Sơn dày hàng mấy tấc, dày hàng nửa thước, xe lăn đi trong bụi như lội trong bùn, xe gầm thét, patinê vì bụi…
|
Giấc ngủ chập chờn cũng đưa tôi về gặp lại những cô gái của Đoàn vận tải H50 trên đường hành quân từ biên giới Campuchia về Khu Sáu. Họ, những cô gái lên rừng từ tuổi mười tám đôi mươi, trẻ trung, khỏe mạnh, xinh đẹp…, sau bao năm cần mẫn đem đôi vai mảnh dẻ mang vác những trái núi khổng lồ gạo muối, thuốc men, đạn dược… để nuôi sống và bảo đảm phương tiện chiến đấu cho cả một quân khu gồm 6 tỉnh Cực Nam Trung Bộ, giờ đây họ hiện ra trước mắt tôi với nước da xanh dớt, thương cảm đến không thể cầm lòng… Đó còn là những gương mặt thân thiết của những đồng đội trong buổi chiều ra quân đánh vào Chi khu Thiện Giáo, trong đêm hành quân cấp tốc vào giải phóng Thị xã Phan Thiết theo bước tiến của xe tăng.
Xa hơn nữa là Quảng Trị năm 1972 với những cuộn dây điện thoại nặng trĩu trên lưng suốt một mùa mưa rả rích, là buổi trưa nắng chang chang một mình bước đi trên Đường 9, là buổi sáng trên đường vào làng Cùa, Cam Lộ, chợt bắt gặp một cây hoa sữa đứng chơ vơ giữa một cánh đồng hoang đầy cỏ dại và dây thép gai chằng chịt… Và còn những nơi nào và những ai nữa, những con người tình cờ, những người đã một lần gặp gỡ và để lại những dấu vết không phai trong cuộc đời tôi…, tất cả, tất cả, như trong một cuộc diễu binh lặng lẽ, đã đi qua hồn tôi trong suốt cái đêm kỳ lạ, khi lần đầu tiên tôi về mắc võng ở Sài Gòn.
Cho đến khi, có lẽ vì mệt quá, tôi thiếp đi trong giây lát. Trong giấc mơ ngắn ngủi tôi bỗng gặp lại một buổi trưa rừng khộp nắng như đổ lửa. Trong cơn khát, vì quả thực suốt hôm qua chưa được ngụm nước nào, tôi đã mơ thấy một con suối Trường Sơn tràn ra từ vách đá, trong vắt, mát lạnh và tiếng nước chảy rì rầm quen thuộc phía xa xa.
Tôi mở mắt và chợt thấy chiếc quạt trần đang quay bình thản ở trên trần.
Vâng, đêm hòa bình đầu tiên của tôi ở giữa Sài Gòn đã trôi qua như vậy. Đúng là cái đêm dài nhất đời tôi, dài như cả một nửa cuộc đời trước đó của tôi dồn lại và nhân lên…
Đã 46 năm trôi qua mà giờ đây tôi vẫn không quên được cái đêm kỳ lạ ấy…