(TN&MT) - Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra TNN – Bộ TN&MT) đang đề xuất đề tài nghiên cứu Bản đồ vùng cấm và hạn chế khai thác nước ngầm tại TPHCM.
Theo đó, sẽ cấm khai thác nước ngầm khu vực quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11 và một phần huyện Nhà Bè. Tổng diện tích vùng cấm khai thác nước ngầm trên địa bàn TPHCM rộng 195 km2; vùng hạn chế khai thác rộng 1.268 km2; và vùng được khai thác nước dưới đất rộng 572 km2 (chủ yếu phân bố ở quận 12, Hóc Môn và Củ Chi).
Ông Phan Văn Tuyến, trưởng nhóm nghiên cứu của Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam cho biết, vùng đề xuất cấm khai thác nước ngầm là vùng có mực nước hạ thấp lớn, nguy cơ lún đất xảy ra mạnh hơn các vùng khác, gần ranh mặn và có bãi rác lớn. Vì thế, cấm khai thác sẽ làm tích trữ và tăng mực nước ngầm, giảm nguy cơ lún đất, xâm nhập mặn và ô nhiễm.
Cũng theo ông Tuyến, diện tích vùng cấm và hạn chế khai thác nước ngầm phân bố nhiều ở khu công nghiệp, khu dân cư và các nhà máy sử dụng nước ngầm lớn. Nhóm nghiên cứu đề nghị chính quyền TPHCM nghiên cứu lộ trình cấm và hạn chế khai thác nước ở những khu vực mà nhóm đã đưa ra; đồng thời kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phải điều tra hiện trạng khai thác nước ngầm, có kế hoạch trám lấp các miệng giếng.
Các khu vực bị cấm khai thác nước ngầm là những nơi có mực nước ngầm thấp hơn giới hạn cho phép (tầng 1 có mực nước ngầm từ 20m trở xuống, tầng 2 và 3 có mực nước từ 40m trở xuống - theo độ cao chuẩn quốc gia); khu vực nằm trong ranh mặn - nhạt; khu vực nước ngầm đã bị ô nhiễm nitơ với hàm lượng 7mg/l trở lên, có hiện tượng lún sụt mặt đất; những khu vực đã được cung cấp nước máy của TPHCM với áp lực tối thiểu 0,2kg/cm2.
Nguyên Vũ