Sức khỏe

Đề xuất tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ thai sản

Thùy Linh 28/08/2023 - 18:13

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho rằng, việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách này, thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia.

Để tăng tính hấp dẫn của chính sách

Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 về cải cách BHXH, Bộ Chính trị yêu cầu: “Nghiên cứu thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng. Mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc”.

Hiện nay, theo Luật BHXH năm 2014, chính sách BHXH tự nguyện chỉ bao gồm hai chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, quy định về đóng BHXH của những người đang tham gia BHXH tự nguyện hiện cũng chỉ gồm việc đóng vào quỹ hưu trí tử tuất, do vậy tỷ lệ đóng là 22%, người tham gia được lựa chọn mức đóng từ thấp nhất đến mức cao nhất.

Vì thế, dự thảo sửa Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung thêm chế độ thai sản vào vào nhóm quyền lợi mà người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng.

bhxh.jpeg
Người lao động được tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện. Ảnh minh họa

Cụ thể, trong quá trình khảo sát thực tiễn việc tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014, theo Bộ LĐ-TB&XH, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, và một trong những nguyên nhân chủ yếu là do chính sách BHXH còn thiếu hấp dẫn, người lao động chưa được hưởng các quyền lợi ngắn hạn, trong khi mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp.

Bên cạnh đó, thực tiễn thời gian qua, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi theo hướng bổ sung quyền lợi thai sản vào chính sách BHXH để tăng tính hấp dẫn của chính sách.

Theo đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định, người lao động tham gia BHXH tự nguyện - bao gồm cả lao động nữ và lao động nam - khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con (bằng mức mà ngân sách nhà nước đang hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số).

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, theo kinh nghiệm của nhiều nước, việc bổ sung chế độ này được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu hạn chế tình trạng giảm sinh.

Chế độ trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.

Hai phương án tính chi phí quản lý BHXH

Ngoài ra, cũng tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi mới nhất, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hai phương án tính chi phí quản lý BHXH.

Cụ thể, phương án 1: “Mức chi phí quản lý BHXH được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu BHXH và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH”.

Phương án 2: “Mức chi phí quản lý BHXH được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi BHXH (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng BHXH) và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH”.

Hiện tại, chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đang đang được thực hiện theo Quyết định số 19/2022/QĐ-TTg quy định về chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024.

BHXH bình quân giai đoạn 2022-2024 tối đa 1,54% dự toán thu, chi BHXH (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng BHXH). Chi phí này được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH, trong đó, năm 2022 tối đa 1,59%, năm 2023 tối đa 1,54% và năm 2024 tối đa 1,49%.

Mức chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp bình quân giai đoạn 2022-2024 tối đa 1,54% dự toán thu, chi bảo hiểm thất nghiệp (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp) được trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, năm 2022 tối đa 1,59%, năm 2023 tối đa 1,54% và năm 2024 tối đa 1,49%.

Được biết, mức chi phí quản lý bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế bình quân giai đoạn 2022 - 2024 tối đa 3,5% tiền đóng bảo hiểm y tế, được trích từ quỹ bảo hiểm y tế; trong đó, năm 2022 tối đa 3,55%, năm 2023 tối đa 3,5% và năm 2024 tối đa 3,45%.

Dự toán chi phí quản lý bảo hiểm y tế hàng năm được xác định theo mức chi phí quy định tại khoản này tính trên dự toán thu tiền đóng bảo hiểm y tế hằng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ thai sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO