Đề xuất gói bảo hiểm y tế bổ sung: Tăng quyền lợi cho người bệnh
Bên cạnh gói bảo hiểm y tế (BHYT) hiện nay, Bộ Y tế đang đề xuất thêm gói BHYT bổ sung. Gói bảo hiểm này được kỳ vọng sẽ giúp chi trả các chi phí y tế nằm ngoài phạm vi chi trả của BHYT bắt buộc; tăng tỷ lệ tham gia BHYT đạt bao phủ BHYT toàn dân; giảm chi tiền túi và tăng quyền lợi của người bệnh…
Bà Trần Thị Trang, quyền Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, cho biết, đề xuất này nhằm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW "về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới". Cụ thể, tuỳ theo yêu cầu của thực tiễn, ngành Y tế phải đa dạng hoá các gói BHYT bổ sung để phù hợp các mức đóng, chi trả và nhu cầu của nhiều đối tượng tham gia.
Đại diện Vụ BHYT chia sẻ, gói BHYT bổ sung mà Bộ Y tế đang đề xuất là hình thức BHYT tự nguyện do người dân đã tham gia BHYT bắt buộc do Nhà nước thực hiện theo quy định, ký hợp đồng BHYT bổ sung với tổ chức kinh doanh BHYT bổ sung và đóng phí để được chi trả các chi phí y tế nằm ngoài phạm vi chi trả của BHYT bắt buộc trên cơ sở thỏa thuận mức phí, phạm vi quyền lợi được hưởng và điều kiện thanh toán chi phí y tế được quy định trong hợp đồng BHYT bổ sung.
Ngoài ra, doanh nghiệp tham gia cung cấp gói bảo hiểm này không được lựa chọn đối tượng, không được có quy định loại trừ người bệnh, không chỉ chọn người khỏe ký hợp đồng mà là tất cả người bệnh có điều kiện, có nhu cầu.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Hoàng Anh Tuấn, Vụ BHYT, nói: Mục đích của gói BHYT bổ sung là xây dựng các gói quyền lợi y tế ngoài phạm vi chi trả của BHYT. Mục tiêu là tăng quyền lợi, giảm chi tiền túi của người bệnh, để người bệnh tiếp cận dịch vụ tốt hơn, thậm chí có thể lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ.
Phạm vi chi trả của gói không trùng lặp với phạm vi được hưởng và mức hưởng của BHYT bắt buộc. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân mua, hỗ trợ mua BHYT bổ sung, khuyến khích các tổ chức thực hiện BHYT bổ sung theo nguyên tắc phi lợi nhuận.
Hiện nay, số tiền bệnh nhân đồng chi trả chiếm khoảng 9% tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Nếu áp dụng thêm hình thức BHYT bổ sung, dự kiến số tiền đồng chi trả khi người dân đi khám, chữa bệnh ngoại trú sẽ giảm 25%. Mức giảm khi khám, chữa bệnh nội trú sẽ là 41%. Như vậy, người bệnh sẽ giảm tổng chi (của mức đồng chi trả) khoảng 20 - 31%.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang nghiên cứu việc đa dạng hóa các gói BHYT phù hợp với mức đóng. Điều này nhằm chi trả cho một số dịch vụ chưa được BHYT chi trả như: Gói khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người già, khám, chẩn đoán phát hiện một số bệnh…
Về vấn đề này, tại toạ đàm mới đây về chính sách BHYT bổ sung trong Dự án Luật BHYT sửa đổi, bà Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho rằng, việc thực hiện gói BHYT bổ sung sẽ góp phần tăng số người tham gia BHYT hiện hành mà chúng ta đang hướng tới bao phủ BHYT toàn dân; đồng thời, giảm mức chi tiền túi (đồng chi trả) của người bệnh khi đi khám, chữa bệnh. Mặt khác, BHYT bổ sung cũng sẽ giúp người bệnh tăng tiếp cận dịch vụ y tế bao gồm dịch vụ theo yêu cầu, kỹ thuật cao (có mức đồng chi trả lớn)…
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế nhấn mạnh việc tham gia BHYT bổ sung trên cơ sở đã tham gia BHYT xã hội. BHYT bổ sung sẽ giúp chi trả các chi phí y tế nằm ngoài phạm vi chi trả của BHYT bắt buộc. Cùng với đó bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, khả năng chi trả của quỹ BHYT. Tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT; nâng cao hiệu quả hoạt động của tuyến y tế cơ sở. Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và quản lý, sử dụng quỹ BHYT.
“Khi đưa BHYT bổ sung vào Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), cơ quan xây dựng luật phải đưa ra định nghĩa BHYT bổ sung, quy định về hình thức BHYT bổ sung. Đồng thời, khuyến khích thực hiện BHYT bổ sung bằng việc chi kinh phí mua BHYT bổ sung cho người lao động được hạch toán vào chi phí doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích tổ chức BHYT bổ sung hoạt động không vì lợi nhuận”, bà Nguyễn Khánh Phương đề xuất.