Đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn trong bối cảnh BĐKH

19/10/2017 00:00

(TN&MT) – Sáng 19/10, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ 7...

(TN&MT) – Sáng 19/10, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ 7 nhìn từ góc độ cộng đồng. Hội thảo tập trung đề cập đến các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) dãy Trường Sơn phục vụ phát triển bền vững (PTBV).
 
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo
 
Phát biểu tại hội thảo, GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh – Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN cho biết: Vùng sinh thái dãy Trường Sơn là một trong 7 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam bởi thế mạnh về sự phong phú, độc đáo của tài nguyên đa dạng sinh học và còn là vùng đang có nguồn lao động dồi dào với 30 triệu dân gồm 40 dân tộc anh em, trong đó có khoảng 30 dân tộc bản địa. Do đó, bảo tồn đa dạng sinh học trên dãy Trường Sơn cũng chính là bảo vệ phát huy các nền văn hóa đặc sắc của 40 dân tộc anh em trong phát triển bền vững.
 
“Công tác bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam nói chung và trên vùng sinh thái dãy Trường Sơn nói riêng chỉ đạt được thành công như mong muốn của Đảng, Chính phủ, của nhân dân khi có được sự hưởng ứng, tham gia có trách nhiệm của cộng đồng bản địa cùng với đảm bảo các lợi ích thiết thực cho cộng đồng thông qua công tác bảo tồn ĐDSH – với quan điểm “Lợi ích vừa là động lực – vừa là mục tiêu của sự nghiệp bảo tồn ĐDSH” - GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.
 
GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh – Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN
GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh – Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN phát biểu tại hội thảo
GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh đề xuất các giải pháp bảo tồn ĐDSH như: Đề ra các chính sách sử dụng bền vững tài nguyên đất, nước, rừng và ĐDSH; cần có một chương trình nghiên cứu cơ bản “Điều tra phát hiện, thống kê – phân tích đánh giá trên cơ sở khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn của các tri thức bản địa của cộng đồng trong bảo tồn – sử dụng ĐDSH trong quá khứ - hiện tại”; tổ chức đánh giá – xác nhận – khen thưởng động viên kịp thời đối với cộng đồng địa phương trong việc đóng góp công sức, trí tuệ trong việc bảo vệ ĐDSH có hiệu quả; đảm bảo lợi ích cho cộng đồng trên dãy Trường Sơn từ các hoạt động kinh tế - phúc lợi xã hội; thường xuyên nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương đồng thời nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị đích thực của các dịch vụ hệ sinh thái và ĐDSH để người dân chủ động và tích cực hơn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
 
Cũng cần có chủ trương rõ ràng, minh bạch trong việc thu hút lực lượng lao động địa phương có trình độ - năng lực tham gia vào lực lượng kiểm lâm ở các khu bảo tồn xuyên VQG; các doanh nghiệp trong nước – Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đầu tư – phát huy tiềm năng độc đáo của ĐDSH trong kinh doanh; tạo việc làm cho phụ nữ và người nghèo có cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ việc sử dụng khôn khéo ĐDSH trên dãy Trường Sơn; kêu gọi sự ủng hộ và chia sẻ thông tin kinh nghiệm sử dụng khôn khéo ĐDSH từ cộng đồng ASEAN; khuyến khích sự gần gũi, gắn kết cộng đồng với ĐDSH vì sự PTBV.
 
Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường
TS. Phạm Đức Thi - Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường phát biểu
Trong bối cảnh BĐKH, TS. Phạm Đức Thi - Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn ĐDSH phục vụ PTBV dãy Trường Sơn, gồm: Thống nhất quan điểm và xây dựng chiến lược tổng hợp PTBV dãy Trường Sơn; tổ chức điều tra, đánh giá tổng hợp toàn dãy Trường Sơn, xây dựng quy hoạch phát triển cho toàn khu vực; chú trọng quản lý bảo tồn các loài và các hệ sinh thái đặc trưng của dãy Trường Sơn, đặc biệt là Sao la và hệ sinh thái rừng khộp; điều tra, đánh giá và khai thác Tri thức bản địa đặc sắc của các dân tộc phục vụ PTBV dãy Trường Sơn; thành lập một cơ quan, tổ chức nghiên cứu, quản lý phù hợp  
 
Theo TS Lê Trần Chấn – Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu của dãy Trường Sơn rất phong phú và đặc sắc. Theo thống kê, có 902 loài đặc hữu Trung Bộ (chủ yếu ở dãy Trường Sơn), chiếm 8,8% tổng số loài của hệ thực vật Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quan trọng này đang đứng trước nguy cơ ngày càng suy giảm. Vì vậy, vấn đề bảo tồn đã trở nên rất cấp thiết”.
 
Từ góc độ cộng đồng, TS Lê Trần Chấn đề xuất cần gắn nhiệm vụ bảo tồn cây quý hiếm với việc nâng cao đời sống tăng thu nhập góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo; làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu và biết giá trị những đối tượng cần bảo tồn, nhận dạng các đối tượng quý hiếm cần bảo tồn để hạn chế việc xâm hại; cần có sự đồng thuận, tạo điều kiện giúp đỡ và sẵn sàng chia sẻ khó khăn, chỉ đạo kịp thời để giải quyết mọi khó khăn khi thực thi nhiệm vụ của cấp lãnh đạo chính quyền cơ sở…
 
Tin & ảnh: Mai Đan – Khương Trung
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn trong bối cảnh BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO