Để vật liệu xanh có chỗ đứng trên thị trường

18/12/2016 00:00

(TN&MT) - Trên lộ trình hướng đến xây dựng thành phố môi trường, Đà Nẵng đã sớm triển khai sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng vốn ngân sách.  Tuy nhiên, để vật liệu không nung có được thị trường ổn định và lâu dài thì ngoài những nỗ lực của DN đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến… rất cần sự hỗ trợ của các ban, ngành có liên quan.

Bước đầu tìm được chỗ đứng

Với mục tiêu hướng đến xây dựng Thành phố môi trường và thực hiện chủ trương phát triển gạch không nung của Chính phủ, UBND TP Đà Nẵng sớm triển khai đẩy mạnh sản xuất, đưa gạch không nung vào sử dụng. Sở Xây dựng thành phố cũng ban hành nhiều công văn gửi đến chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, thẩm tra, giám sát nhà thầu xây dựng trên địa bàn về triển khai quy định sử dụng gạch không nung. Hiện 100% công trình sử dụng vốn ngân sách tại Đà Nẵng đều sử dụng gạch không nung. Trong đó, có thể kể đến tòa nhà Trung tâm hành chính, trường PTTH Phan Châu Trinh, Bệnh viện đa khoa Hải Châu…

Ông Lê Hồ Đăng Khoa, Ban Quản lý các dự án dân dụng và Công nghiệp TP Đà Nẵng cho biết: Về độ bền, tại hiện trường cho thấy chất lượng gạch tốt, khả năng cách âm, chống ồn, cách nhiệt tốt hơn so với loại gạch thông thường… Đặc biệt, theo tính toán, sử dụng 1m2 gạch không nung so với 1m2 gạch nung kiểu truyền thống giá thành giảm từ 20 - 30%...

Tại Đà Nẵng, đến nay có 8 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng không nung (gạch bê-tông, gạch xi-măng cốt liệu) với tổng công suất khoảng 150 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng loại vật liệu này cho các công trình xây dựng trên địa bàn.Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Hồng Hoàng Hồng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng  là đơn vị tiên phong đưa gạch không nung đến với địa phương nói riêng và khu vực miền Trung nói chung. Từ năm 2014, công ty đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất gạch không nung đầu tiên tại miền Trung, công suất 90 triệu viên/năm.Việc nhà máy sản xuất gạch không nung đầu tiên đi vào hoạt động, đáp ứng một phần nhu cầu xây dựng rất lớn tại Đà Nẵng. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung theo công nghệ tự động hóa của Đức. Tuy mới đi vào hoạt động nhưng công ty đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, được người sử dụng tin tưởng. Ông Trần Quang Thông - Giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư Hồng Hoàng Hồng cho biết, sau dây chuyền 1, doanh nghiệp tiếp tục triển khai dây chuyền 2 theo công nghệ ép tĩnh với công suất 30 triệu viên/năm, nâng công suất toàn nhà máy lên 135 triệu viên/năm, tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng…

“Gạch không nung có ưu điểm chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt tốt hơn gạch nung. Bước đầu, chúng tôi không đặt vấn đề lợi nhuận mà chỉ muốn mọi người sử dụng quen loại vật liệu này, từ đó phổ biến sử dụng gạch trên thị trường. Công ty đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, tự động nhằm nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.” – ông Trần Quang Thông chia sẻ.

Thời gian qua, thông qua việc tuyên truyền, nhiều công trình nhà ở của dân tại Đà Nẵng cũng bắt đầu sử dụng gạch không nung. Tuy nhiên phải thừa nhận thực tế, số lượng công trình của hộ gia đình sử dụng gạch không nung còn quá ít trong tổng số hàng ngàn ngôi nhà đang triển khai xây dựng.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo ông Trần Xuân Đính, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, sử dụng gạch không nung có nhiều ưu điểm về giá thành, chất lượng và môi trường hơn hẳn gạch nung truyền thống. Với điều kiện ở Việt Nam, kể cả ngay tại thời điểm hiện tại cũng như tương lai, đá mạt, xỉ nhiệt điện... là những phế thải tương đối dồi dào, tạo điều kiện để phát triển gạch không nung.

Với nhiều ưu điểm, được tôn vinh là dòng sản phẩm xanh… nhưng gạch không nung vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính khiến người dân chưa nhiệt tình với gạch không nung do thói quen sử dụng gạch nung đã có từ hàng trăm năm. Để người dân từ bỏ thói quen này không phải chuyện ngày một ngày hai có thể làm được. Ngoài ra, thiếu kiến thức về việc tư vấn, thiết kế, xây dựng cũng như kiểm định chất lượng công trình cũng là nguyên nhân khiến gạch không nung chưa được sử dụng phổ biến.

Ông Trần Quang Thông cho biết, ở các nước phát triển, gạch không nung đã chiếm 70% tổng sản lượng sản xuất hàng năm, trong khi hiện nay Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 7%. “Tôi đề nghị TP cần có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm gạch không nung, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giúp người dân tiếp cận, khuyến khích sử dụng gạch không nung trong xây dựng nhà ở nhằm tiết kiệm chi phí, thân thiện và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các công trình khách sạn, trường học, bệnh viện phải sử dụng vật liệu xây không nung như một tiêu chí bắt buộc chứ không phải là tiêu chí khuyến khích”, ông Thông kiến nghị.

Ông Trần Xuân Đính, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng: Để việc sản xuất và sử dụng gạch không nung vào cuộc sống hiệu quả nhất, các bộ, ngành cần quan tâm chỉ đạo các tổ chức tư vấn thiết kế thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ về thiết kế công trình, tư vấn cho khách hàng trong việc sử dụng gạch không nung. Đồng thời chú trọng công tác truyền thông, tuyền truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng trong sản xuất và sử dụng gạch không nung. Ngoài ra, những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư cho các đơn vị chế tạo thiết bị và sản xuất gạch không nung quy định trong QĐ của Chính phủ cần được hướng dẫn chi tiết, cụ thể, dễ áp dụng vào cuộc sống. Bộ Xây dựng sớm ban hành cẩm nang chỉ dẫn kỹ thuật trong thiết kế và kỹ thuật thực hành xây dựng, sử dụng gạch không nung nhằm tăng cường chất lượng công trình khi sử dụng vật liệu xanh này.

Bài & ảnh: Võ Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để vật liệu xanh có chỗ đứng trên thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO