Đề nghị tháo gỡ 5 nhóm vấn đề vướng mắc của cơ quan báo chí
(TN&MT) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ký Công văn số 5899/BTTTT-KHTC ngày 24/11/2023 gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước để tháo gỡ khó khăn về thuế, tài chính cho cơ quan báo chí.
Thực hiện kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Hội Nhà Báo Việt Nam ngày 13/6/2023, Thủ tướng đã chỉ đạo việc đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức lấy ý kiến các cơ quan báo chí.
Trên cơ sở ý kiến phản ánh, kiến nghị của các cơ quan báo chí và thực tiễn quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, Bộ TT&TT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước, quy định chi tiết thi hành Luật giá và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí.
Cụ thể, Bộ TT&TT đề nghị Bộ Tài chính xem xét 5 nhóm vấn đề:
Nhóm vấn đề thứ nhất là, đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 60 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
Thứ 2 là, nhóm ý kiến về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;
Thứ 3 là, nhóm ý kiến liên quan đến pháp luật về giá;
Thứ 4 là, nhóm ý kiến về chính sách thuế;
Thứ 5 là, các ý kiến về bố trí kinh phí hoạt động, mua sắm phương tiện tác nghiệp cho các cơ quan báo chí và hướng dẫn chế độ chi cho các cơ quan báo chí, gồm:
Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung quy định về thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
Theo Bộ TT&TT, Nghị định 60 có các quy định chưa thống nhất hoặc chưa cụ thể về thực hiện lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Trong đó, đề nghị cho tính chi phí khấu hao tài sản cố định khi đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ lĩnh vực báo chí, truyền thông (không phân biệt đơn vị có mức độ tự chủ khác nhau) để hỗ trợ các cơ quan báo chí, xuất bản chủ động về nguồn tái đầu tư tài sản, phương tiện hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra, đề nghị làm rõ đơn vị Nhóm 4 (có nguồn thu sự nghiệp dưới 10%) có được đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công không, để thống nhất thực hiện.
Đề nghị xem xét, sửa đổi định tính chi phí tiền lương trong giá đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 60 và Nghị định 32, giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Trong đó, chi phí tiền lương trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp… do các bộ, cơ quan Trung ương, UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền.
Trên thực tế, các đơn vị sự nghiệp công lập có mức độ tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên (Nhóm 1), đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên (Nhóm 2) nếu tính chi phí tiền lương trong giá dịch vụ theo quy định trên không phù hợp với thực tế của đơn vị.
Bộ TT&TT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 60 cho phép việc xác định chi phí tiền lương trong giá đặt hàng đối với các đơn vị Nhóm 1 và Nhóm 2.
Cụ thể, đối với các đơn vị đã được cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng đơn giá tiền lương theo thực tế 3 năm liền kề của đơn vị khi lập phương án giá dịch vụ.
Đối với các đơn vị chưa được cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá dịch vụ được tính theo chi phí tiền lương bình quân theo thực tế 3 năm liền kề.
Theo Bộ TT&TT, việc sửa đổi trên cũng đảm bảo sự thống nhất về tính chi phí tiền lương trong đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công giữa đơn vị đã có định mức kinh tế - kỹ thuật với đơn vị chưa có định mức - kỹ thuật theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị định 60 phù hợp với việc thực hiện cơ chế tiền lương như doanh nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp công lập Nhóm 1, Nhóm 2.
Ngoài ra, Bộ TT&TT còn đề nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định trách nhiệm nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước do cơ quan chủ quản đặt hàng; đề nghị xem xét hướng dẫn về điều kiện đặt hàng; sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục đặt hàng dịch vụ công và về phương thức quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành.
Đề xuất ưu đãi thuế thu nhập cho các loại hình báo chí
Nhóm ý kiến liên quan đến pháp luật về giá, Bộ TT&TT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật giá, trong đó: Không quy định Bộ quản lý ngành, lĩnh vực trách nhiệm thẩm định phương án giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Trung ương lĩnh vực TT&TT; và giao cơ quan chủ quản thẩm định, báo cáo Bộ Tài chính ban hành giá tối đa để phù hợp với thực tế quản lý tài chính, tài sản đơn vị sự nghiệp công lập; rút ngắn quy trình, giảm khâu trung gian trong đặt hàng, nhất là lĩnh vực báo chí.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, có cơ chế quản lý giá phù hợp để các cơ quan báo chí thuận lợi trong việc nhận đặt hàng thông tin, tuyên truyền từ các cơ quan, đơn vị khác không phải là cơ quan chủ quản.
Nhóm ý kiến về chính sách thuế, theo Bộ TT&TT, hiện nay các cơ quan báo chí in đã được nhà nước ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất là 10%. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ quan báo chí có hai loại hình báo chí trở lên (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử). Trong khi đó, hoạt động báo chí đều phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu.
Vì vậy, Bộ TT&TT đề xuất nhà nước thống nhất áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ cho báo chí và thuận lợi cho công tác hạch toán, quản lý thuế. Cùng với đó, Bộ TT&TT đề nghị Bộ Tài chính quan tâm bố trí kinh phí cho các cơ quan chủ quản báo chí để giao nhiệm vụ, đặt hàng cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền.