Văn bản nêu rõ, trong những ngày gần đây, một số hộ dân tại khu vực thôn Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) tập trung trước cổng 2 nhà máy thép nói trên nhằm yêu cầu ngừng các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm. Thành ủy Đà Nẵng nhận định, tình hình tại khu vực 2 nhà máy thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trước vấn đề trên, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã đề nghị Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan yêu cầu 2 nhà máy chấm dứt hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường khu vực, đảm bảo quy định của pháp luật, theo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy và phù hợp với định hướng, mục tiêu xây dựng thành phố môi trường.
Ngoài ra, Thường trực Thành ủy còn yêu cầu các đơn vị sớm công bố kết quả thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thành lập, hoạt động và xử lý môi trường tại 2 nhà máy và triển khai các bước tiếp theo đảm bảo quy định. Thường trực Thành ủy đề nghị tiến độ triển khai thực hiện phải được báo cáo trước ngày 5/10.
Bên cạnh đó, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng giao Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và Huyện ủy Hòa Vang tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân ủng hộ chủ trương của thành phố, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng và doanh nghiệp triển khai các bước xử lý tiếp theo, đảm bảo quy định pháp luật.
Thường trực Thành ủy cũng giao Công an thành phố phối hợp với các ngành chức năng và địa phương thường xuyên ứng trực, kịp thời giải quyết, ngăn chặn các tình huống liên quan đến việc tập trung đông người, có phương án xử lý kiên quyết các đối tượng có biểu hiện kích động, gây rối an ninh trật tự tại khu vực. Công an cần kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ huy thống nhất thành phố khi xảy ra tình hình phức tạp.
Trong một diễn biến khác, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phối hợp với UBND huyện Hòa Vang và các đơn vị liên quan chuẩn bị cho công tác tổ chức công bố kết quả quan trắc môi trường khu vực hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc. Trên cơ sở kết quả đo đạc và phân tích mẫu môi trường của các đơn vị quan trắc môi trường cung cấp, tổ chức công bố kết quả quan trắc môi trường khu vực hai nhà máy thép thuộc Công ty Cổ phần Thép Dana Ý và Công ty Cổ phần Thép Dana Úc, cũng như khu vực xung quanh hai nhà máy thép này hoạt động tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tiến hành thủ tục xử lý vi phạm về môi trường đối với tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có).
Như đã đưa tin, những ngày đầu tháng 10, hàng chục hộ dân sống cạnh 2 Nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc tiếp tục kéo đến bao vây nhà máy. Theo các hộ dân, đã hết thời hạn tạm ngưng hoạt động 2 nhà máy nhưng bản thân các hộ dân chưa ngã ngũ câu chuyện “chọn thép hay chọn dân”. Đi không được, ở không xong, các hộ dân lâm cảnh bất an, lo ngại môi trường…
Đây không phải lần đầu các hộ dân kéo đến bao vây 2 nhà máy thép để phản đối hoạt động. Ngay từ đầu năm 2018, hàng trăm người dân liên tục kéo đến bao vây 2 nhà máy thép yêu cầu ngừng hoạt động vì cho rằng 2 nhà máy này làm ô nhiễm môi trường khu dân cư.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, phía doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Tân - Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Dana - Ý cũng đề nghị chính quyền có câu trả lời rõ ràng với người dân và doanh nghiệp về số phận đi hay ở của nhà máy. Theo ông Tân, việc đóng cửa nhà máy thép Dana - Ý ảnh hưởng đến 1.000 công nhân, tác động trực tiếp đến 2.000 gia đình và hơn 4.000 trẻ em. Riêng tiền điện mất 500 tỷ đồng mỗi năm, Cảng Đà Nẵng mất nửa triệu tấn hàng xuất nhập khẩu qua cảng.
“Người dân cứ bao vây nhà máy thế cũng không được, không đảm bảo cho một xã hội pháp quyền. Phải có 1 giải pháp chứ không thể 2 bên sống chung được. Nếu thành phố có đủ khả năng, đủ điều kiện thì vận động dân như thế nào nhưng không được bao vây nhà máy. Chúng tôi cam kết đảm bảo các yêu cầu môi trường và đã thuê các công ty chuyên về quan trắc môi trường đến kiểm tra. Thực tế, kết quả đều nằm trong phạm vi cho phép”- ông Tân nói.
Được biết, từ năm 2006, TP. Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương di dời các hộ dân sát cạnh nhà máy để tạo vành đai phân cách cho phù hợp với tiêu chuẩn quy hoạch cụm công nghiệp. Tuy nhiên, vì các khu công nghiệp thu hút được ít nhà đầu tư nên thành phố đã điều chỉnh quy hoạch, dừng mở rộng KCN Hòa Khánh và không thực hiện di dời người dân tại khu vực này nữa. Lâu dần, từ 150 hộ dân ban đầu đã phát sinh thành 1200 hộ dân. Hồ sơ di dời, chi phí đền bù vượt quá chi phí ban đầu của thành phố.
Đầu năm 2017, các hộ dân rất bức xúc và phản ứng gay gắt do việc thành phố “treo” di dời hàng chục năm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ khi phải sống cạnh cụm công nghiệp. Để khắc phục thiếu sót trong quy hoạch cụm công nghiệp Thanh Vinh, UBND TP. Nẵng quyết định phải di dời nhà dân theo các thông báo số 197/TB-UBND ngày 29/12/2016, Thông báo số 05-TB-UBND ngày 22/02/2017, Công văn số 730/VP-QLĐTư ngày 13/3/2017. Các thông báo này đều có nội dung cụ thể “thống nhất chủ trương giải tỏa di dời các hộ dân tại khu vực lân cận 02 nhà máy…”.
Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục giải tỏa, đền bù, tái định cư vẫn tiếp tục ì ạch, chậm tiến độ, không thông suốt khến người dân vô cùng bức xúc và bao vây hai nhà máy thép của công ty Dana - Ý và công ty Dana - Úc nhằm áp lực chính quyền thành phố và buộc di dời 2 nhà máy.