Thực tế cho thấy, việc tiếp tục gia tăng phát thải các bon sẽ ngày càng khiến thế giới có nguy cơ đối mặt với các cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ.
Bằng chứng mới nhất là, trong cuộc khủng hoảng virus Corona đang diễn ra trên thế giới, khi hoạt động của con người giảm, Trái đất dường như xanh trở lại. Và những tác động tiêu cực xuất hiện khi con người hoạt động. Điều này dễ nhận thấy ở các đô thị lớn.
Thời gian qua, xu hướng tại nhiều đất nước mới phát triển là xây dựng những thành phố dành cho ô tô - một xu hướng có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng và sự thoải mái về mặt tinh thần của người dân. Những thành phố dành ưu tiên cho ô tô được xây dựng đầu tiên ở Mỹ vào những năm 1930. Và mô hình này lan rộng sang nhiều đô thị trên thế giới. Hậu quả của gần một thế kỷ qua là, ô nhiễm môi trường tại các đô thị tăng nhanh, tai nạn giao thông nhiều hơn, số người tử vong tăng cao.
Tăng nhận thức của công chúng về ô nhiễm không khí. Ảnh: Hoàng Minh |
Không những thế, để vận hành và duy trì cơ sở hạ tầng dành cho ô tô là rất tốn kém. Diện tích đất cho các sân chơi, công viên và những không gian công cộng khác sẽ giảm đi rất nhiều. Theo đó cũng góp phần tạo nên sự tách biệt trong xã hội, nguy cơ giao tiếp xã hội giảm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe về thể chất và tinh thần của người dân, nhất là với người già và trẻ em. Các căn bệnh đô thị xuất hiện ngày càng nhiều.
Những tác động tiêu cực nghiêm trọng của cơ sở hạ tầng dành cho ô tô cuối cùng dẫn tới một phản ứng là rất nhiều thành phố đã giành lại không gian của ô tô để làm lợi cho người dân. Từ những năm 1980, nhiều thành phố dành cho ô tô trước kia như: Melbourne (Pháp), Curibita (Brazil), Copenhagen (Đan Mạch)… đã trả lại không gian cho người dân và cấm ô tô đi lại trong các khu trung tâm.
Tuy vậy, cùng lúc, ở nhiều quốc gia phát triển muộn hơn, trong đó, có nhiều nước châu Á, “sai lầm” lại tái diễn. Và, Việt Nam không là ngoại lệ. Nói một cách đơn giản, mức độ sử dụng ô tô và xe máy càng lớn, càng nhanh chóng làm giảm điều kiện sống tốt của một thành phố. Các thành phố cho con người hơn là cho ô tô, sẽ là những nơi an toàn, lành mạnh, phồn vinh và hạnh phúc hơn cho tất cả mọi người.
Để làm được điều đó cần một thiết kế đô thị tốt và đây sẽ là nền tảng để xây dựng những thành phố sống tốt.
Nhưng chưa đủ, các chính sách về giao thông cũng cần khuyến khích và hỗ trợ (phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm… tốt hơn, đa dạng và tiện lợi hơn) người dân đi bộ, đạp xe và sử dụng các phương tiện công cộng. Nhưng quy hoạch cho vấn đề này nếu không làm tốt, sẽ không có tác dụng.
Tương tự, các chính sách hạn chế và giảm ô tô, xe máy là vô cùng quan trọng để giảm bớt các tác động tiêu cực đến môi trường sống trong đô thị. Dĩ nhiên, tổn thất có thể có, nhưng về lâu dài, thành phố sẽ được đến đáp xứng đáng bằng việc nâng cao sức khỏe, bảo đảm an toàn về môi trường sống và chất lượng sống.
Đại dịch virus Corona đang chỉ ra một cách nhìn khác về chất lượng môi trường của các đô thị. Khi các phương tiện giao thông ít được sử dụng, môi trường đô thị sẽ trong lành hơn.
Trong suốt cuộc đời, mỗi người phải dành nửa thời gian để đi bộ. Thế nên, nói không quá lời, chất lượng sống đô thị được phản ánh qua chất lượng giao thông bộ hành. Được hít thở bầu không khí trong sạch, cuộc sống sẽ tốt hơn, con người sẽ khỏe hơn. Với các đô thị lớn, điều này chúng ta chỉ thật sự làm được khi giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân, gia tăng không gian công cộng.
Nhiều người đi bộ hơn có nghĩa là ít tắc nghẽn, ít tiếng ồn, ít ô nhiễm không khí, ít tai nạn giao thông hơn. Và khi đại dịch đi qua, những đường phố sẽ trở lên sống động, mang tính xã hội hơn. Có phải chăng, đó cũng là cách tạo lập một môi trường sống tốt hơn trong cộng đồng cư dân đô thị!(?)