Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, mục tiêu cụ thể của Đề án là hoàn thành công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất, điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc gồm diện tích của các nhóm tờ bản đồ vùng còn lại ( gồm 12 tỉnh và 21 huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An) đã được quy hoạch; Làm rõ tiềm năng tài nguyên các loại khoáng sản, các tài nguyên địa chất khác, phát hiện 30 đến 35 mỏ mới.
Bên cạnh đó khoanh định các cấu trúc địa chất thuận lợi để đánh giá khoáng sản ẩn sâu, xác định những thành tạo địa chất chứa quặng ẩn sâu; Tổng hợp, đo vẽ, thành lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:250.000 vùng Tây Bắc và từng tỉnh.
Ngoài ra, Đề án còn hướng đến mục tiêu đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật địa chất của Tổng cục thông qua thực tiễn triển khai Đề án, với sự tham gia của các nhà khoa học địa chất trong nước và nước ngoài. Nâng cao năng lực công tác điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản, phân tích mẫu, địa vật lý và ứng dụng công nghệ thông tin.
Để thực hiện những mục tiêu trên, Tổng cục có nhiệm vụ điều tra, lập bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 trên tổng diện tích 13.081 km2 của 8 nhóm (Mường Toỏng, Mường Nhé, Hoàng Su Phì, Đình Lập, Sông Mã, Lang Chánh và Con Cuông 1 và Con Cuông 2); Phân tích, xử lý các tài liệu địa chất hiện có, điều tra, phân tích tổng hợp các loại tài liệu nhằm làm rõ hiện trạng, mức độ điều tra, thăm dò, khai thác, tài nguyên trữ lượng, xác định được quy luật phân bố khoáng sản trong vùng; Điều tra phát hiện mới và đánh giá tiềm năng khoáng sản kim loại gồm: vàng, thiếc, vonfram, đồng, niken, antimon, sắt, mangan, đất hiếm.
Điều tra, đánh giá những khoáng sản không kim loại đáp ứng yêu cầu mới về lĩnh vực sử dụng, nhu cầu của thị trường, sự phát triển của công nghệ; địa nhiệt và các tài nguyên địa chất khác chưa được nghiên cứu; Điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản nội sinh ẩn, sâu ở các cấu trúc địa chất thuận lợi, có tiền đề, dấu hiệu chứa các khoáng sản.
Xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về địa chất khu vực, khoáng sản vùng Tây Bắc đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản quốc gia tiếp cận với thế giới. Khảo sát địa chất bổ sung, tổng hợp, phân tích, chuẩn hóa các thành tạo địa chất (địa tầng, magma, biến chất), xây dựng thống nhất bình đồ cấu trúc địa chất khu vực, thành lập bộ bản đồ địa chất, khoáng sản tỉ lệ 1:250.000.
Phạm vi thực hiện của đề án bao gồm toàn bộ vùng Tây Bắc với diện tích 106.250 km2, gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang ) và 21 huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Theo Báo cáo kết quả của Tổng cục, qua 1 năm 6 tháng triển khai thi công, đề án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về địa chất, khoáng sản. Triển vọng chắc chắn sẽ đạt và vượt mục tiêu phát hiện đánh giá 30 đến 35 khu mỏ mới. Về công tác lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000, đã triển khai 7/8 nhóm tờ và trong từng nhóm tờ hoàn thành từ 30 đến 50% khối lượng công việc, tùy theo nhóm tờ. Dự kiến hết năm 2019 hoàn thành 60% khối lượng các dạng công việc
Kết quả đã xác lập rõ cấu trúc địa chất của các nhóm tờ góp phần hoàn thiện công tác bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc, đồng thời đã phát hiện một số khu vực mới có khoáng sản vàng, đồng, chì kẽm, khoáng chất công nghiệp.
Về công tác đánh giá khoáng sản, đã cơ bản hoàn thành công tác đánh giá hiện trạng của 10 đề án đang triên khai thi công. Đồng thời đánh giá phát hiện mới trên 30 khu vực có khoáng sản vàng, trong đó nhiều khu vực có khả năng trở thành mỏ có quy mô trung bình đến lớn ở Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng và Lạng Sơn. Ngoài ra, phát hiện mới 02 khu chứa quặng thiếc ở Nghệ An; 01 điểm vonfram ở Thanh Hóa; làm rõ và phát hiện mới các thân quặng vonfram – vàng ở Bản Ngà, Sơn La…
Về công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu địa chất và khoáng sản, Tổng cục đã phối hợp với Cục Địa chất Anh, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn áp dụng quản lý dữ liệu của đề án, tiến tới quản lý dữ liệu địa chất khoáng sản toàn quốc.
Sau khi nghe Báo cáo của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá cao sự nỗ lực tập trung trí tuệ, sức lực của tập thể đang thực hiện đề án, đồng thời cho rằng đề án đã triển khai đúng định hướng và bám sát tiến độ. Thứ trưởng nhận định: “Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội là trách nhiệm của chúng ta. Triển vọng của Đề án này là lâu dài 10, 20 năm nữa. Tới đây cần ưu tiên cho các dự án đã giao các đơn vị, các dự án triển khai sớm để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra”.