Đề án di dời Cụm công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng: Còn nhiều bất cập

06/08/2015 00:00

  (TN&MT) - Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, TP. Cần Thơ phải lập đề án di dời Cụm Công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng đến địa điểm khác vì lý do...

 

(TN&MT) - Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, TP. Cần Thơ phải lập đề án di dời Cụm Công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng đến địa điểm khác vì lý do không phù hợp với quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc di dời cụm công nghiệp này đang bị “tắc” vì chưa xác định cụ thể được vị trí để di dời, mức hỗ trợ cho các công ty, doanh nghiệp phải di dời…

Một góc Cụm công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng
Một góc Cụm công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng

 Sự cần thiết phải di dời…

Qua tìm hiểu của chúng tôi, được biết ngày 7/8/2001 UBND tỉnh Cần Thơ cũ (nay là TP. Cần Thơ) ban hành Quyết định số 2218/QĐ-CT.UB, phê duyệt dự án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Cụm Công nghiệp Cái Sơn – Hàng Bàng, tọa lạc tại P. An Bình, Q. Ninh Kiều, với tổng diện tích 38,2 ha. Tuy nhiên, vào thời điểm đó TP. Cần Thơ không đứng ra thu hồi đất của người dân, giải phóng mặt bằng mà chủ đầu tư tự chuyển nhượng đất của người dân để xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất, kinh doanh…

Thống kê từ Sở Công thương TP. Cần Thơ, Cụm công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng có tổng cộng 88 cơ sở, trong đó có 34 cơ sản xuất cơ khí, điện gia dụng, đồ gỗ; thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm; may mặc và 54 cơ sở kinh doanh nội thất, thiết bị vệ sinh, vật liệu xây dựng…Trong số 88 cơ sở thì còn 73 cơ sở đang hoạt động, 10 cơ sở ngưng hoạt động, 4 cơ sở chuyển sang cho thuê nhà ở. Do các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Cụm công nghiệp Cái Sơn- Hàng Bàng có quy mô nhỏ, lại tự bỏ vốn ra chuyển nhượng đất, xây dựng nhà máy, mua sắm trang thiết bị… nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng, hệ thống cấp thoát nước, giao thông, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải, khí thải theo quy định không được quan tâm đúng mức, nguồn nước thải, bùn thải, khí thải gây ô nhiễm cho khu vực dân cư xung quanh.

Theo báo cáo từ ngành chức năng trong số 34 cơ sở hoạt động sản xuất tại cụm công nghiệp này thì có 6 cơ sở gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, một số cơ sở sản xuất gây tiếng ồn trên mức cho phép… Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ cho hay, qua quá trình kiểm tra cho thấy hạ tầng tại Cụm Công nghiệp Cái Sơn- Hàng Bàng chưa được đầu tư xây dựng đúng mức, các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng không đồng bộ, hệ thống cấp thoát nước không đáp ứng được yêu cầu phát triển, từ đó gây ô nhiễm môi trường cho khu vực này. “Do vậy, trong thời gian tới cần di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Cụm công nghiệp Cái Sơn- Hàng Bàng vào các Khu công nghiệp tập trung đã được thành phố quy hoạch, trả lại môi trường trong lành cho người dân”- Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ đề nghị. Bên cạnh đó, căn cứ vào Quy hoạch chung xây dựng thành phố Cấn Thơ đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì khu vực Cụm công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng thuộc phạm vi trung tâm đô thị TP. Cần Thơ, không còn phù hợp để xây dựng và phát triển công nghiệp nữa. Trên cơ sở đó, UBND thành phố giao cho Sở Công thương chủ trì lập Đề án di dời cụm công nghiệp này đến địa điểm khác.

Theo ông Đỗ Hữu Duy, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp - Sở Công thương TP. Cần Thơ, việc di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua là rất cấp thiết, nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường, bố trí dân cư, chỉnh trang và phát triển đô thị bền vững. Theo đề án, thời gian di dời được chia làm 2 giai đoạn từ 2016 đến ngày 31/12/2020  sẽ di dời đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, giai đoạn 2 từ 2020 đến ngày 31/12/2025  di dời hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại cụm công nghiệp này...

Tuyến kênh cặp đường Hoàng Quốc Việt, phường An Bình, Quận Ninh Kiều đang bị ô nhiễm nghiêm trọng vì nguồn nước thải từ   Cụm công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng
Tuyến kênh cặp đường Hoàng Quốc Việt, phường An Bình, Quận Ninh Kiều đang bị ô nhiễm nghiêm trọng vì nguồn nước thải từ Cụm công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng

Còn nhiều khó khăn

Vào cuối tháng 7/2015, UBND TP. Cần Thơ chủ trì cùng các Sở, ngành chức năng đã có buổi làm việc xung quanh Đề án hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Cụm công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng. Tại cuộc họp này đại diện cho các Sở, ngành chức năng của thành phố thống nhất với Đề án hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Cụm công nghiệp Cái Sơn- Hàng Bàng đến vị trí khác nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của thành phố.

Tuy nhiên, bà Bùi Ngọc Vị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ cho biết, theo phương án di dời mà Sở Công thương đề xuất là sẽ chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh này vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện có trên địa bàn thành phố, nhưng hiện tại một số khu, cụm công nghiệp chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, khoảng cách quá xa so với Cụm công nghiệp Cái Sơn- Hàng Bàng.... Do vậy, “Không thể đề xuất phương án di dời chung chung được mà Sở Công thương cần kiểm tra xác định cụ thể có bao nhiêu cơ sở sản xuất, ngành nghề kinh doanh tự di dời, bao nhiêu cơ sở chưa lo được nơi sản xuất, kinh doanh đề đề xuất với UBND hỗ trợ, sắp xếp vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nào cho phù hợp”- bà Bùi Ngọc Vị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị. Bên cạnh đó, theo phương án hỗ trợ, các cơ sở phải di dời được hỗ trợ 40% trong tổng số tiền thuê lại đất ở các khu, cụm công nghiệp, nhưng theo bà Vị, mức hỗ trợ này đã được áp dụng ở một số tỉnh, thành cách nay khoảng 10 năm rồi, không còn phù hợp nữa, cần phải xem xét lại mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ nhằm đảm bảo tiến độ đề án và bảo vệ quyền lợi cho các cơ sở sản xuất.

Còn bà Cao Thị Minh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ cho rằng, để giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường đã tồn tại nhiều năm nay tại Cụm công nghiệp Cái Sơn- Hàng Bàng, trả lại môi trường trong lành cho  khu vực dân cư xung quanh, các ngành chức năng cần xác định cụ thể thời gian di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, ưu tiên di dời trước các cơ sở gây ô nhiễm nguồn nước, không khí. Đồng thời, phải có sự phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ từ các ngành chức năng, chính quyền địa phương và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh...

Bài & ảnh: Lê Hùng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề án di dời Cụm công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng: Còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO