Ngành TN&MT

ĐBSCL: Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành TN&MT

Lê Hùng 26/03/2024 - 16:15

(TN&MT) - Xác định chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, là nhiệm vụ chiến lược đặc biệt có ý nghĩa quan trọng của ngành TN&MT, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang quyết liệt triển khai chuyển đổi nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và môi trường, kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân và doanh nghiệp.

a1-chuyen-doi-so.jpg
Hiện nay, hầu hết các TTHC liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến

Kết quả khả quan

Thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của Bộ TN&MT, Thành ủy và UBND TP. Cần Thơ về công tác chuyển đổi số, từ năm 2021 đến nay, Sở TN&MT TP. Cần Thơ đã tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực tài nguyên và môi trường và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trao đổi với Phóng viên, ông Đỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết: Sau hơn 2 năm tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi số, đến nay 100% văn bản đến Sở TN&MT được tiếp nhận và xử lý trên môi trường điện tử; 100% văn bản đi được phát hành dưới dạng điện tử và ký số theo đúng quy định; 93/98 TTHC lĩnh vực tài nguyên, môi trường được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến; 100% TTHC có thu phí, lệ phí thanh toán trực tuyến; số hóa kết quả giải quyết TTHC đạt 82,7%.

"Cùng với đó, Sở TN&MT TP. Cần Thơ cũng vừa mới đưa vào vận hành hệ thống quản lý đất đai VBDLIS tại 6/9 quận, huyện trên địa bàn thành phố; thực hiện liên thông hồ sơ và phiếu chuyển thông tin địa chính trên môi trường điện tử. Qua đó, đã rút ngắn thời gian giao nhận hồ sơ giữa 02 đơn vị và thanh toán nghĩa vụ tài chính trực tuyến cũng như giảm tải thời gian chờ đợi thực hiện TTHC của các tổ chức, cá nhân" - ông Đỗ Thanh Thảo cho biết thêm.

Đối với Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua, Sở TN&MT đã thường xuyên tuyên truyền, quán triệt về công tác chuyển đổi số tại cơ quan theo hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh Bạc Liêu; thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình đối với 76/90 TTHC thuộc phạm vi quản lý của Sở TN&MT. Ông Nguyễn Bình Thuận, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu cho biết: Hiện nay, Sở TN&MT đang vận hành, khai thác hệ thống quản lý văn bản liên thông của tỉnh; thực hiện trao đổi văn bản điện tử, ứng dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử; tất cả công chức, viên chức, người lao động cơ quan đều có đăng ký, sử dụng hộp thư điện tử để trao đổi văn bản, tài liệu phục vụ công tác; ứng dụng hệ thống liên thông thuế điện tử giữa Văn phòng ĐKĐĐ và Cơ quan Thuế; sử dụng phần mềm chuyên ngành (Vilis 2.0) trong luân chuyển hồ sơ giải quyết TTHC về đất đai; ứng dụng các phần mềm phục vụ công tác quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý môi trường nước, không khí.

Còn đối với Sở TN&MT tỉnh An Giang trong thời gian qua, Sở TN&MT đã xây dựng được cơ sở dữ liệu đất đai tập trung và vận hành phần mềm VBDLIS tại Văn phòng ĐKĐĐ các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện TTHC về đất đai và kết nối đồng bộ với Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa của tỉnh An Giang, Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo Lãnh đạo Sở TN&MT An Giang, việc vận hành phần mềm VBDLIS đã giúp cho công tác quản lý, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối một cửa điện tử và liên thông thuế điện tử ngày càng nhanh chóng, hiệu quả; hỗ trợ tốt cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, kiểm tra, nghiệm thu, đối soát, tích hợp vào cơ sở dữ liệu, vận hành, ký sổ địa chính điện tử.

Sở TN&MT tỉnh An Giang còn phối hợp với một số cơ quan, đơn vị thực hiện kết nối hệ thống một cửa điện tử tỉnh với hệ thống thông tin giải quyết TTHC tập trung của Bộ TN&MT. Qua đó, đã tích hợp, cung cấp dịch vụ công thiết yếu đối với thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” và dịch vụ công thiết yếu của tổ chức đối với thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất do thay đổi về nghĩa vụ tài chính.

a2-chuyen-doi-so.jpg
Trong thời gian qua, Sở TN&MT các địa phương vùng ĐBSCL đã tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị, công nghệ thông tin... nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số

Tiếp tục số hoá

Trong thời gian tới, để công tác chuyển đổi số lĩnh vực tài nguyên và môi trường tiếp tục đạt kết quả, Lãnh đạo các Sở TN&MT: Cần Thơ, Bạc Liêu, An Giang cho biết, các Sở TN&MT sẽ đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán nghĩa vụ tài chính trực tuyến; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trong giải quyết TTHC; vận hành, khai thác có hiệu quả các chức năng của hệ thống VBDLIS nhằm đảm bảo dữ liệu được cập nhật kịp thời, đồng bộ, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như chia sẻ dữ liệu với các sở, ban ngành theo quy định hiện hành.

Ngoài thực hiện các nhiệm vụ trên, ông Đỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết: “Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ thực hiện số hóa toàn bộ tài liệu lưu trữ về đất đai, môi trường, tài nguyên khoáng sản, nước, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và các văn bản hành chính hiện đang lưu trữ tại Sở; đồng thời, kết nối, cung cấp dữ liệu, dịch vụ vào nền tảng dùng chung của thành phố và hoàn thiện cung cấp các nền tảng dữ liệu số tài nguyên và môi trường từ nền tảng quy hoạch không gian thành phố (SPP) phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh”.

Xác định công tác chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Sở TN&MT tỉnh An Giang hiện đang triển khai rà soát, đánh giá và tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ đất đai trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa tỉnh An Giang nhằm đồng bộ, thống nhất với quy trình nội bộ VBDLIS theo hướng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời, duy trì đường truyền dữ liệu, tăng dung lượng băng thông đảm bảo hệ thống vận hành tốt và chủ động có giải pháp dự phòng để vận hành hồ sơ TTHC khi nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu gặp sự cố bất ngờ.

"Bên cạnh đó, Sở TN&MT tỉnh An Giang sẽ đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hệ thống máy móc, trang thiết bị, công nghệ thông tin để lưu trữ, kết nối, chia sẽ liên thông với hệ thống Ngân hàng, Thuế, Kho bạc; đồng thời, tổ chức đăng ký biến động đất đai liên huyện và chuyển sang đăng ký điện tử tạo bướt đột phá về cải cách hành chính; triển khai dịch vụ cung cấp dữ liệu đất đai qua mạng, tin nhắn điện thoại theo yêu cầu của các tổ chức, người dân" - ông Võ Hùng Dũng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang cho hay.

Đối với Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu, đơn vị này cũng sẽ tiếp tục tổ chức phổ biến về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp; đồng thời, Sở TN&MT tiếp tục số hóa các hệ thống thông tin chuyên ngành TN&MT; chuẩn hóa dữ liệu để tích hợp, kết nối, chia sẻ với kho dữ liệu của tỉnh Bạc Liêu phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu; hướng dẫn, hỗ trợ người dân, đoanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến đối với TTHC về đất đai…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành TN&MT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO